Canh bạc đầu cơ nhìn từ hiện tượng SHN

Hơn 1 triệu CP tháo chạy giá sàn tại SHN ngày 17.4 và mức thanh khoản èo uột đã xác nhận hơn 28 triệu CP được nhà đầu tư mua trong 10 phiên trở lại đây rơi vào cảnh lỗ nặng.

Hiện tượng CP lỗ tăng giá không còn mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, độ “kỳ dị” của hoạt động đầu cơ bất chấp rủi ro đã lên đến đỉnh điểm, với cả những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Sắp “chết” vẫn “chạy” tốt?

Sự kiện cổ phiếu DVD chết chìm, kéo theo hơn 1.700 cổ đông chìm theo những tưởng đã là tấm biển cảnh báo đập vào mắt tất cả những nhà đầu tư theo trường phái mạo hiểm như đánh bạc. Tuy nhiên, mới đây, số đông nhà đầu tư lại được phen ngơ ngác khi hiện tượng SHN nổ ra.

Đúng vào dịp cuối tuần, đương kim Chủ tịch Hội đồng quản trị SHN – ông Đinh Hồng Long – lên báo tuyên bố Cty đang đứng bên bờ vực phá sản. Thông tin này đúng là "quả bom" nổ trên thị trường vì trước đó nhiều tháng, SHN tuy giá thấp nhưng vẫn giao dịch bình thường. Nay đích thân chủ tịch Cty ra mặt “úm” doanh nghiệp mình phá sản đến nơi, cổ đông không tá hỏa tháo chạy mới là chuyện lạ.

Tuy nhiên, màn kịch hay nhất với SHN lại chính là thời điểm khủng hoảng này. Sau tuyên bố của ông Long, SHN rơi sàn liên tục tới 11 phiên và hầu như không có thanh khoản. Công văn giải trình đi lại không có gì mới, vẫn là những nguyên nhân đã biết. “Đùng một cái”, SHN trong phiên giao dịch thứ 12 đột nhiên tăng kịch trần, khối lượng chuyển nhượng lên tới trên 10,9 triệu cổ phiếu. Đây không chỉ là mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử SHN, mà còn chiếm tới gần 1/3 tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành của Cty.

Giá trị phiên giao dịch đó của SHN lên tới 32,5 tỉ đồng. Liên tiếp 5 phiên giao dịch sau đó, SHN có tăng có giảm, nhưng cơ bản là thanh khoản được duy trì. Hiện tượng lạ thường này khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu có chuyển biến gì liên quan đến khoản nợ khó đòi của Cty? Tại sao lại có người sẵn sàng bỏ ra nhiều chục tỉ đồng để đánh cược với SHN như vậy?

Sự nghi ngờ lẫn lòng tham một lần nữa lại cuốn không ít nhà đầu tư lao vào canh bạc SHN, đánh cược với những thông tin mà mình chưa biết. Ba phiên trở lại đây, SHN đã quay lại trạng thái giảm sàn và mất thanh khoản. Chắc chắn rất nhiều nhà đầu tư đã bị “cầm tù” với lòng tham của mình.

Phá sản không phải là nói đùa

Với bất kỳ nhà đầu tư có năng lực phân tích cơ bản nào, trường hợp SHN chắc chắn không phải là một cơ hội đầu tư mạo hiểm, mà là một trò cờ bạc thực sự. SHN mờ ảo chẳng kém gì DVD với những con số không xấu trên sổ sách. SHN tệ hơn một chút vì có kết quả kinh doanh lỗ, nhưng bù lại có một miếng bánh vẽ rất to: Khoản nợ 238 tỉ đồng đối với đối tác cộng với cả trăm tỉ đồng tiền lãi suất, tiền phạt liên quan.

Khoản cho vay nói trên được hạch toán vào mục đầu tư ngắn hạn theo thời hạn hợp đồng vay 3 tháng. Cách hạch toán này đã giúp đội khoản tài sản ngắn hạn của SHN lên rất cao và tạo cảm giác an toàn về tài chính trong sự cân đối với nợ ngắn hạn. Tóm lại nếu nhìn trên sổ sách, SHN vẫn có khả năng trả nợ ngắn hạn bằng cách sử dụng các tài sản ngắn hạn của mình.

Tuy nhiên, mắc mớ ở chỗ tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn lại gần như không có. Đơn giản là SHN không thể dễ dàng ngay lập tức đòi được khoản cho vay 238 tỉ đồng nói trên cộng với các khoản phạt liên quan. Khoản vay này đang vướng vào một mớ bòng bòng pháp lý, “xù” trách nhiệm mà bản chất là có nguy cơ mất trắng. Cái mà SHN có được chỉ là đống CP thế chấp như tài sản đảm bảo không rõ giá trị thực tế là bao nhiêu, cùng với một số quyền lợi trong vài dự án bất động sản. Nợ ngân hàng, nợ cá nhân, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế và thiếu vốn kinh doanh, đó là tình cảnh hiện tại của SHN.

Nỗ lực vùng vẫy?

Khó có thể đưa ra phỏng đoán nào khác về việc ông chủ tịch SHN chủ động báo cáo DN mình có nguy cơ phá sản ngoài việc gây sức ép lên con nợ. SHN đã đâm đơn kiện đối tác và “cầu cứu” Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, hơi khó hiểu là nhiều thành viên chủ chốt của SHN không những nắm giữ lượng CP rất ít mà còn tranh thủ bán ra trước đó. Bản thân ông chủ tịch cũng “lén” bán trước thời hạn công bố và bị phạt 40 triệu đồng.

Trở lại với màn kịch tăng trần của SHN ngày 4.4 vừa qua, đúng 7 ngày sau, SHN bị gạt ra khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ. SHN từ cuối 2010 đã là một CP đầu cơ ưa thích và thanh khoản bình quân hàng triệu CP mỗi ngày, lượng cầm cố chắc chắn không nhỏ. Hiện tượng dư bán sàn hàng triệu CP đột nhiên bị khớp hết và thanh khoản sôi động không loại trừ là hiện tượng trao tay nội bộ để tạo thanh khoản ảo và đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bên ngoài hòng thoát ra. Với tình cảnh hiện tại của SHN, cộng với áp lực giải chấp, cắt lỗ, khối lượng hàng bán ra có thể thổi bay những đồng tiền nhỏ lẻ đánh cược với rủi ro ở CP này.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/canh-bac-dau-co-nhin-tu-hien-tuong-shn/60643.bld