Căng thẳng ở Triều Tiên: Lý do Trung Quốc không kiềm chế Bình Nhưỡng

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc nói nhiều nhưng hành động ít trong vấn đề kiềm chế Triều Tiên. Theo phân tích, có nhiều lý do khiến Bắc Kinh không nỗ lực trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.

Trung Quốc không coi tên lửa Triều Tiên là mối đe dọa như Mỹ

Theo Economist, Trung Quốc muốn bán đảo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên thực sự vẫn phát triển mạnh mẽ chương trình vũ khí của mình. Cuộc thử tên lửa tầm trung vào ngày 5/4 đã đưa số lần thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng lên thành con số 7 và 1 trong số đó thất bại.

Triều Tiên cũng đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn đến đất liền nước Mỹ.

Năm ngoái, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm hạt nhân, đưa một vệ tinh vào quỹ đạo và lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn không hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên.

Triều Tiên thực sự vẫn phát triển mạnh mẽ chương trình vũ khí của mình.

Tờ Economist nhận định, Trung Quốc có vẻ như không có những thay đổi chính sách triệt để để kiềm chế Triều Tiên. Có nhiều lý do để Bắc Kinh ủng hộ Bình Nhưỡng.

Thứ nhất, tên lửa của Triều Tiên, vào thời điểm hiện nay, không nhắm vào Trung Quốc. Song chúng có thể sẽ nhắm vào Trung Quốc nếu nước này “quay lưng” lại với quốc gia mà Bắc Kinh bảo trợ.

Thứ hai, Trung Quốc không xem ICBM của Triều Tiên như là một mối đe dọa sâu sắc theo cách nhìn của người Mỹ.

Và cuối cùng, Trung Quốc đang lo lắng về các kế hoạch của Hàn Quốc nhằm triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Trung Quốc tuyên bố, thực ra là nhằm vào các tên lửa của nước này.

Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Triều Tiên. Dường như Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của các nước khác đối với sự hiếu chiến của Triều Tiên hơn là vào chính thái độ hung hăng của quốc gia này.

Tên lửa của Triều Tiên, vào thời điểm hiện nay, không nhắm vào Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc nói nhiều nhưng hành động ít, ít nhất là ở mặt trận kinh tế trong vấn đề kiềm chế Triều Tiên. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay tăng gần 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dù cho chính quyền Bắc Kinh bộc lộ thái độ cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, thì khả năng trừng phạt mạnh mẽ (giống như những gì Trung Quốc nói) vẫn bộc lộ nhiều nghi ngờ”, ông John Park, Giám đốc Korea Working Group chia sẻ.

Nếu Trung Quốc chống lại nỗ lực của Mỹ, những hệ quả nguy hiểm nhiều khả năng xảy ra. Những hệ quả này có thể là bất cứ điều gì, từ một cuộc tấn công quân sự của Mỹ chống lại các cứ điểm tên lửa của Triều Tiên, đến quyết định của Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Thay vì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hậu quả có thể sẽ là sự phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực này.

Đào Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cang-thang-o-trieu-tien-ly-do-trung-quoc-khong-kiem-che-binh-nhuong-a323885.html