Căng thẳng biên giới, Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc

Trung Quốc thu lời khủng từ Ấn Độ rồi lại hỗ trợ cho đối thủ Pakistan. Người Ấn Độ không thích điều này.

Tình hình an ninh tại khu vực biên giới Pakistan - Ấn Độ đang căng thẳng tột độ. Những giao tranh nhỏ lẻ diễn ra ngày một nhiều gây ra phẫn nộ đối với người dân Ấn Độ. Chính phủ New Delhi cáo buộc các tay súng này do chính phủ Pakistan chống lưng. Trong khi đó, Pakistan lại hưởng lợi rất lớn từ những hợp tác và hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc (TQ). Người dân Ấn Độ rõ ràng không thích điều này và kêu gọi tẩy chay hàng hóa của TQ - “người bạn của Pakistan”, theo India Times.

Hàng Trung Quốc dính đòn

Tờ India Times cho biết các chiến dịch kêu gọi tẩy chay hàng hóa TQ đã bắt đầu thể hiện sức tác động rõ rệt. Trong dịp Lễ hội Ánh sáng Diwali vừa qua, các khảo sát cho thấy người dân Ấn Độ có xu hướng mua hàng hóa được sản xuất nội địa nhiều hơn.

Theo India Times, riêngtại bang Rajasthan, Chủ tịch Hiệp hội Công thương địa phương Suresh Argawal cho biết đèn trang trí và các mặt hàng tương tự của TQ có doanh số giảm 30%-40%. “Hàng điện tử làm bởi TQ giảm 10%-15%, trong khi doanh số điện thoại giảm khoảng 2%” - ông Suresh Argawal nói. Xu hướng mua hàng của người dân Ấn Độ khiến những cơ sở buôn bán cũng hạn chế đặt hàng từ TQ hơn.

Một nhà vận động xã hội tên Sandeep Gupta cho biết đa phần sản phẩm của TQ có giá cả thấp hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bên cạnh yếu tố giá thành. Xu hướng này đang đặc biệt nổi bật đối với bộ phận người trẻ tuổi tại Ấn Độ, theo India Times. Hiện là một kế toán có công việc ổn định, Gupta hằng ngày vẫn dành vài tiếng đồng hồ để xuống đường kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay hàng TQ.

Hàng hóa Trung Quốc chiếm một bộ phận lớn trên thị trường Ấn Độ. Ảnh: MINT

Hàng hóa Trung Quốc chiếm một bộ phận lớn trên thị trường Ấn Độ. Ảnh: MINT

Láng giềng hục hặc, Trung Quốc thiệt

Các thông điệp kêu gọi tẩy chay hàng hóa từ “người bạn của Pakistan” đã được các nhà vận động xã hội tại Ấn Độ lan truyền rộng rãi kể từ sau vụ khủng bố ngày 18-9 ở đồn biên phòng gần thị trấn Uri, vùng Kashmir. Phía khủng bố vũ trang hạng nặng đã cho nổ liên tiếp 17 quả lựu đạn trong suốt ba phút. Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào lực lượng an ninh tại vùng Kashmir trong vòng 20 năm qua. Vụ phục kích của bốn phần tử khủng bố đã làm 19 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng, hàng chục quân nhân khác bị thương.

Tờ South China Morning Post bình luận một nhà lãnh đạo cứng rắn như Thủ tướng Narendra Modi buộc phải có hành động xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Không thể đáp trả bằng quân sự, Ấn Độ buộc phải phản ứng bằng con đường cô lập ngoại giao Pakistan, chỉ trích nước này là quốc gia tài trợ khủng bố ngay giữa Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

TQ hiện là quốc gia có hợp tác đầu tư kinh tế rất lớn tại Pakistan với siêu dự án Hành lang kinh tế TQ-Pakistan (CPEC) 46 tỉ USD vốn đầu tư. Zorawar Daulet Singh, chuyên gia về quan hệ Ấn Độ-TQ, cho rằng chính quyền New Delhi sẽ tìm cách gây sức ép lên siêu dự án này, buộc Bắc Kinh phải thuyết phục Pakistan kiểm soát mạnh tay các nhóm khủng bố. Chính phủ New Delhi đã phát đi các tín hiệu ủng hộ lãnh đạo lực lượng đòi tự trị tại Baluchistan (Pakistan), điểm then chốt trong siêu dự án của TQ với cảng biển Gwadar.

Song song với các toan tính chính trị của chính phủ, người dân Ấn Độ cũng phát động làn sóng tẩy chay hàng hóa TQ. Tổng Thư ký Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ (CAIT) Praveen Khandelwal cho biết: “Nếu người dân quyết tâm dạy TQ một bài học, hành động này có thể gây ra nhiều hậu quả về thương mại”. Ngay cả ngôi sao diễn viên hài Ấn Độ Vivekh cũng tham gia vào làn sóng này. Đăng tải trên Twitter, anh kêu gọi người dân Ấn Độ “thức tỉnh và cảnh giác, nói không với hàng TQ”.

Nhiều chính quyền, tổ chức địa phương, các cá nhân và nhóm đảng phái chính trị cũng góp chung tiếng nói cổ súy làn sóng tẩy chay này. Viết trên trang First Post, Prakash Katoch, Trung tướng đã về hưu của lục quân Ấn Độ, cho rằng cách duy nhất để TQ thức tỉnh và thay đổi cách tiếp cận với mối quan hệ Ấn Độ và Pakistan là dừng mua hàng hóa của nước này. Ông cho rằng tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh của Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh đủ lớn trước dân số có xu hướng già đi của đất nước láng giềng.

Người dân tẩy chay hàng hóa Trung Quốc trong dịp Lễ hội Ánh sáng vừa qua. Ảnh: PTI

Chính phủ của Thủ tướng Modi khó xử trước làn sóng tự phát tẩy chay hàng Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ tự làm khó mình?

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu chính phủ New Delhi không tìm cách kiểm soát làn sóng tẩy chay tự phát tại thị trường Ấn Độ thì sẽ tự hủy hoại chính mình. Theo tờ Times of India, hiện TQ chính là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với 1/6 sản phẩm nhập khẩu của Ấn Độ chính là từ quốc gia láng giềng khổng lồ này. Trong vòng hai năm qua, sản phẩm nhập khẩu từ TQ tăng đến 20% lên đến 61 tỉ USD, theo Times of India. Đặc biệt, thị trường sản phẩm công nghệ của Ấn Độ phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu từ TQ.

Trong khi đó, trang Live Mint (Ấn Độ) lo sợ việc gây tổn hại đến xuất khẩu và sản xuất tại TQ có thể gây hại ngược lại lên thị trường chứng khoán Ấn Độ. Theo phân tích của Live Mint, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, với sự xuất hiện của các nhà đầu tư TQ, thị trường chứng khoán của Ấn Độ hình thành mối liên kết lớn với thị trường chứng khoán của nước láng giềng. Sự thiệt hại của nền kinh tế TQ có nguy cơ tạo nên một hiệu ứng dây chuyền lên Ấn Độ.

Trang phân tích Wire cũng cảnh báo rằng làn sóng tẩy chay này không khác gì “cuộc chiến với cối xay gió”. Những thương nhân cỡ lớn của Ấn Độ không chịu thiệt hại vì đã tích trữ trước hàng hóa không có nguồn gốc từ TQ để phục vụ làn sóng tẩy chay. Tuy nhiên, những thương nhân cỡ nhỏ và các đại lý bán lẻ cỡ nhỏ lại chịu rất nhiều thiệt hại trong dịp Lễ hội Ánh sáng vừa qua. Trong khi đó, chính bộ phận kinh doanh vừa và nhỏ này lại là đối tượng mà Thủ tướng Modi muốn thúc đẩy phát triển. Trang mạng này phân tích hàng hóa TQ đã thâm nhập quá sâu vào thị trường Ấn Độ và một làn sóng tẩy chay thiếu kiểm soát sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman đã lên tiếng cảnh báo: “Tẩy chay toàn bộ hàng hóa TQ tại nhiều địa phương Ấn Độ là một cách phản ứng thiếu tính khả thi”. Bà nhắc nhở rằng thương mại quốc tế được quản lý bằng luật pháp quốc tế và không thể tự tiện đặt ra những rào cản thương mại vô lý.

Bùng nổ tẩy chay từ thư giả mạo

Làn sóng tẩy chay hàng TQ bùng nổ khi một lá thư giả mạo chữ ký của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lan truyền trên mạng xã hội. Đăng tải này kêu gọi người tiêu dùng Ấn Độ dùng hàng nội địa trong dịp lễ Diwali và từ chối hàng hóa TQ.

Lá thư giả bùng nổ trên Facebook, Twitter, WhatsApp. Ít lâu sau đó, Văn phòng Thủ tướng Modi đã nhanh chóng khẳng định lá thư trên là giả mạo qua một đăng tải chính thức trên Twitter. Tuy nhiên, việc Văn phòng Thủ tướng lên tiếng cũng không ngăn được sự lan tỏa nhanh chóng của làn sóng này.

Trả lời báo chí, nhiều tiểu thương đồng tình với quan điểm rằng một chiến dịch tẩy chay như vậy có thể gây hại đến kinh doanh trong năm nay nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho doanh nhân và công nghiệp Ấn Độ. Nhiều người nhận định các tiểu thương sẽ phải quyết định không nhập hàng TQ, còn người tiêu dùng cần dứt khoát không mua hàng TQ. Điều này sẽ có lợi nếu người dân chấp nhận dùng hàng Ấn Độ.

THANH DANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/ho-so-phong-su/cang-thang-bien-gioi-an-do-tay-chay-hang-trung-quoc-661385.html