Căng mình phòng chống sốt xuất huyết

Trong quá trình phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, các cán bộ của trung tâm Y tế Quận Thanh Xuân đã phải căng mình để dập dịch.

Thời gian qua, thông tin về sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong những ngày “tâm bão” sốt xuất huyết, đâu đâu trên khắp các bàn ăn, quán nước chủ đề chính bàn luận là sốt xuất huyết.

Ths.Bs. Lê Minh Tuấn trao đổi với PV về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến trung tâm Y tế quận Thanh Xuân để tìm hiểu về công tác phòng chống dịch của các cán bộ trong thời gian cao điểm.

Tiếp chuyện với chúng tôi, Ths.Bs. Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cho biết, trong vòng một tháng qua, anh cũng như các cán bộ xử lý dịch đã phải căng mình phòng chống dịch. Họ phải đến từng hộ dân trên địa bàn.

Ông Tuấn cho biết: “Từ đầu năm, trung tâm Y tế cũng đã được dự báo trước về tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thời tiết trong thời gian qua cũng rất khác so với mọi năm, mưa nhiều, kéo dài khiến cho côn trùng trung gian chuyển bệnh là muỗi vằn có điều kiện phát triển.

Trước tình hình đó, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND Quận triển khai các kế hoạch phòng chống dịch sớm. Quan trọng nhất vẫn là công tác diệt bọ gậy, còn phun thuốc muỗi chỉ là biện pháp trước mắt”.

Theo ông Tuấn, nếu mọi năm các chiến dịch vệ sinh môi trường được triển khai vào tháng 6 thì năm nay đơn vị triển khai từ tháng 4. Sau đó, tiến hành phun hóa chất trọng điểm.

Các cán bộ của trung tâm thực hiện diệt bọ gậy.

Nói về công tác xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diện rộng trong những ngày cao điểm của dịch, BS. Tuấn cho biết, phía trung tâm được sở Y tế, trung tâm Y tế Dự phòng TP.Hà Nội hỗ trợ cho hai máy phun hóa chất công suất lớn đặt trên ô tô và 1 máy phun mù nóng.

Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, Bs.Tuấn cho biết: “Về máy phun đeo vai, ban đầu chúng tôi chỉ có 4 máy, nhưng sau đã được bổ sung thêm 3 chiếc và tự chủ động mượn thêm máy phun từ trung tâm Y tế Dự phòng của các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang... Và từ 18/8, UBND quận Thanh Xuân đã duyệt cấp kinh phí mua tăng cường 11 máy phun đeo vai để đảm bảo công tác xử lý hóa chất diệt muỗi trên địa bàn Quận".

Ngoài những khó khăn về máy móc, theo vị bác sĩ này, trong quá trình trực tiếp xuống các hộ dân để phun muỗi, các cán bộ và nhân viên y tế của trung tâm cũng gặp phải những tình huống khó xử:

“Có một số hộ dân chưa thực sự hợp tác, không cho phun. Những hộ dân này thường nói là họ đã tự thuê phun hóa chất và không cho thợ vào phun. Điều này gây khó khăn trong quá trình chúng tôi thống kê quản lý, hộ đã phun hay chưa được phun hóa chất. Ngoài ra, cũng có một số hộ dân vắng nhà, hoặc khi nghe tiếng gọi cửa không mở”, ông Tuấn cho biết thêm.

Vừa chia sẻ với PV, ông Tuấn cũng bộc bạch, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, các nhân viên tại trung tâm cũng đã phải làm việc ngoài giờ nhiều. Phân chia các nhân viên xuống địa bàn làm các công tác phòng chống dịch và một số nhân viên khác trực 24/24 tại trạm. Bên cạnh đó, cũng huy động 100% cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch.

Tiến hành phun thuốc muỗi tại tất cả các tổ dân phố.

Cũng theo lời của vị cán bộ trung tâm Y tế này, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/8/2017, trên địa bàn quận Thanh Xuân đã ghi nhận 1.773 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 1.677 bệnh nhân đã khỏi (94,6%), 96 bệnh nhân còn đang điều trị (5,4%) và 1 người tử vong (tại phường Thanh Xuân Trung).

Đến ngày 31/8/2017, kết quả công tác phòng chống sốt xuất huyết đã giám sát, xử lý 224/224 ổ dịch theo đúng thường quy, đã có 194 ổ dịch kết thúc. Hiện tại, 30 ổ dịch vẫn đang được tiếp tục theo dõi và xử lý.

Ths.Bs. Tuấn cũng cho biết thêm, kế hoạch trong thời gian tới trung tâm vẫn tiếp tục củng cố hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng, theo dõi các địa bàn trọng điểm, các ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết. Tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn, cập nhật tình hình dịch bệnh và có hướng xử lý kịp thời để giảm số ca mắc, ổ dịch, không để dịch kéo dài.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cang-minh-phong-chong-sot-xuat-huyet-a338208.html