Càng cố kiểm soát nợ công càng tham nhũng: Bắc Kinh đã 'bó tay'?

Theo luật pháp Trung Quốc từ năm 1994, chính quyền các tỉnh và thành phố đã không được phép phát hành trái phiếu hay vay tiền trực tiếp từ ngân hàng.

Càng cố kiểm soát nợ công càng tham nhũng: Bắc Kinh đã "bó tay"?

Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng thì hạn hẹp. Điều này khiến chính quyền các địa phương đã lập ra một định chế gọi là công ty tài chính địa phương (LGFV), theo ibtimes, ngày 27/9/2013.

Chức năng của các LGFV là giúp chính quyền địa phương huy động vốn chủ yếu phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém như xây dựng các công trình xử lý nước thải, đường tầu điện ngầm… thông qua phát hành trái phiếu hay vay nợ với tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản .

Vì vậy, LGFV được xem là phương tiện cấp vốn cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nợ của các LGFV chiếm khoảng 15-25% số nợ xấu, điều đó không khác gì nguồn thu ngân sách của các địa phương là từ bán đất. Từ đó hiện tượng thất thoát tài chính không thể kiểm soát.

Thế là việc cho thành lập những LGFV không giúp làm sáng hơn tình hình nợ công ngày càng phình to tại các địa phương mà còn gia tăng điều kiện cho tham nhũng. Do vậy, từ năm 2014 Chính phủ Trung Quốc đã cấm chính quyền địa phương sử dụng phương tiện tài chính LGFV.

Với khoản nợ của các địa phương lên đến con số khổng lồ là hơn 3.000 tỷ USD vào cuối năm 2012, cùng chi phí tài chính ngày càng tăng cao, chính phủ Trung Quốc khuyến khích địa phương sử dụng trái phiếu đô thị tài trợ vốn cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Trên tinh thần đó, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc cho thành lập các quỹ công nghiệp.

Theo Ủy ban tài chính nhà nước, quỹ công nghiệp là hình thức bổ sung cho mô hình hợp tác Công-Tư (PPP), tức nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của nhà nước.

Tuy nhiên, so với LGFV thì quỹ công nghiệp địa phương chỉ khác về cách thức hoạt động, nhưng bản chất của vấn đề không có gì khác. Đó vẫn là công cụ phục vụ kế hoạch tài chính cho chính quyền địa phương và nợ phát sinh chỉ là "thay tên đổi họ".

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là lĩnh vực tạo điều kiện cho tham nhũng dễ dàng nhất, vì vậy việc đưa quỹ công nghiệp địa phương tham gia vào PPP sẽ là phương tiện tốt nhất cho tệ nạn tham nhũng phát triển.

Tấn công vào quan chức địa phương là cách tốt nhất để có dự án đầu tư được tài trợ vốn của các quỹ công nghiệp địa phương, chắc chắn là mục đích của những nhà đầu tư trục lợi.

Do vậy, vụ việc hơn 450 đại biểu hội đồng lập pháp tỉnh cùng 45/62 đại biểu quốc hội của tỉnh Liêu Ninh bị phát hiện dùng tiền để có ghế, được nhận diện là nạn tham nhũng phát sinh từ hình thức huy động vốn mới tại địa phương.

Như vậy là sau 3 lần thay đổi các hình thức huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tìm ra công cụ hữu hiệu để có thể kiểm soát nợ công tại các địa phương. Và cùng với đó còn hình thành nên những hình thức, những kiểu tham nhũng mới.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/cang-co-kiem-soat-no-cong-cang-tham-nhung-bac-kinh-da-bo-tay-20161003131647633.htm