Cần xử lý triệt để những vi phạm tồn tại (Bài cuối)

Nhà cao tầng, nhà kiên cố mọc lên trên đất nông nghiệp và ao hồ ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là hậu quả của một quá trình giao đất trái thẩm quyền kéo dài từ năm 1997 đến năm 2012. Dù đã qua nhiều phiên tòa xét xử cán bộ xã Hợp Thanh vi phạm liên quan đến đất đai, nhưng hậu quả của việc giao đất, bán đất trái thẩm quyền vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, gây bức xúc và khiếu kiện kéo dài trong quần chúng nhân dân.

Việc xử lý triệt để những vi phạm còn tồn tại này dường như đang giậm chân tại chỗ.

Cán bộ xã bị xử lý hình sự, nhà mọc trên đất trái phép vẫn tồn tại

Đi một vòng trong thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, chúng tôi thấy ở đây còn rất nhiều điểm trước đây là khu vực giao đất trái quy định của lãnh đạo xã vẫn tồn tại những ngôi nhà kiên cố. Có khu vực là nhà kiên cố mọc trên đất nông nghiệp, có nơi là đất ao. Có những khu ao rộng mênh mông nhưng theo phản ánh của người dân thì nó đã bị “bán” đứt cho một hộ dân và họ có toàn quyền sử dụng.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Hải, người dân thôn Phú Hiền thì toàn xã có 20 hợp đồng đấu thầu bất hợp pháp. Khu X5 rộng khoảng 13ha xã đã bán, người dân xây nhà kiên cố, có sổ đỏ. Khu vực Na Dinh và núi Đá Ngang rộng gần 10ha là khu ruộng cấy 2 vụ, bên trên là núi đá hiện đã đổ đất nền vào ruộng để bán cho 7 hộ dân và họ đã xây nhà, được cấp sổ đỏ.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất đầm ao trong thôn Phú Hiền mọc lên những ngôi nhà kiên cố.

Qua trao đổi với người dân ở đây, chúng tôi được biết, họ rất bức xúc trước việc nhiều diện tích đất của thôn Phú Hiền bị xã “bán”, tiền thu về không biết chi tiêu vào việc gì? Đơn cử là khu vực Hang Châu vốn là đất hoang hóa, rộng 32ha, người dân thôn Phú Hiền đã khai hoang được 18 mẫu nhưng bị xã chiếm đoạt từ năm 1995 đến năm 2012.

“Người dân có đơn đề nghị thì xã mới giải quyết lại. Nhưng sau đó xã lại đứng ra cho một hộ dân đấu thầu thả cá và cấy lúa, gây bức xúc trong dư luận” - ông Nguyễn Văn Hải phản ánh.

Không chỉ thế, theo ông Hải thì đất ở quanh khu vực núi Đứt sau khi khai thác để lấy đá, chỗ này đã trở thành một diện tích đất bằng. Xã bán lại cho nhiều người dân xây nhà kiên cố. “Việc xã bán đất không công khai cho dân. Tiền bán đất đó đi đâu?”- ông Hải nói.

Trao đổi với lãnh đạo xã Hợp Thanh về tất cả những bức xúc này của người dân, ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: “Nhiều vi phạm về quản lý đất đai, giao đất trái thẩm quyền xảy ra từ năm 1997 đến 2012, việc này thì những cán bộ xã sai phạm đều đã bị Tòa án xét xử. Tuy nhiên, Tòa chỉ tuyên xử lý bị cáo, còn trong bản án chỉ nói phần đất đó sẽ xử lý ở một vụ án khác. Do vậy, những công trình xây dựng trên đất giao trái phép vẫn tồn tại”.

Xã này lại bán đất của xã kia

Câu chuyện hy hữu này xảy ra ngay tại xã Hợp Thanh khi 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho 7 hộ dân tại khu Na Dinh và núi Đá Ngang. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiệp thừa nhận 7 hộ trên đều có chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng xã không cấp. Vậy ai xác nhận nguồn gốc đất để các hộ dân trên được cấp sổ đỏ trên diện tích đất nông nghiệp?

Theo ông Tiệp thì khu vực này nằm giáp ranh giữa xã An Phú và Hợp Thanh. Khi kiểm tra đã phát hiện đây là đất của xã Hợp Thanh nhưng UBND xã An Phú lại bán cho 7 hộ trên. UBND huyện Mỹ Đức đã ra thông báo thu hồi 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng gần 1 năm nay chưa giải quyết được.

Theo ông Tiệp thì UBND huyện Mỹ Đức đang giải quyết dần những hậu quả trong vi phạm quản lý đất đai tại xã Hợp Thanh từ những năm trước để lại. Tuy nhiên, việc giải quyết này theo ghi nhận của chúng tôi vẫn còn quá chậm, dẫn đến người dân mất niềm tin. Điển hình là giải quyết những bức xúc của nhân dân tại khu vực Hang Châu.

Ông Nguyễn Tiến Suông, cán bộ địa chính xã Hợp Thanh giải thích:

“Năm 2014, tổ công tác 112 của huyện Mỹ Đức đã tìm ra căn nguyên tại sao trong giai đoạn 1992-1997 xã Hợp Thanh lại cho 1 hộ gia đình đấu thầu. Qua rà soát, UBND xã đã có thông báo hủy hợp đồng giao đất trái thẩm quyền đối với hộ gia đình này, sau đó tổ chức cho đấu thầu công khai trong vòng 15 ngày tại UBND xã. Ông Nguyễn Văn Hảo, ở thôn Phú Điền đã trúng thầu với thời hạn là 5 năm, thu tiền hằng năm. Tuy nhiên khi triển khai, dù ông Hảo đã xin miễn giảm nhưng vẫn không nộp nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng. Sau đó ông Hảo rủ ông Phạm Văn Hạnh hợp tác góp vốn đứng ra thực hiện hợp đồng. Ông Hạnh có đơn đề nghị xã hợp đồng với ông Hạnh và xin đề nghị giảm sản lượng nộp, xã đã đồng ý”.

Theo giải thích của ông Suông thì việc xã cho một hộ dân đấu thầu thả cá là đúng nhưng tiền thu được xã điều tiết cho các thôn xây dựng công trình phúc lợi và các hoạt động của địa phương chứ không vào túi cá nhân.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số phản ánh của người dân là có cơ sở, nhất là việc giao đất trái thẩm quyền tồn tại đã lâu nhưng hậu quả chưa được khắc phục. Điển hình nhất là việc cán bộ xã năm 1992 hợp đồng với một số hộ dân cho đốt lò vôi ở khu núi Đứt, sau đó buông lỏng quản lý dẫn tới người dân xây nhà vòng quanh núi, thậm chí trên đỉnh núi. Việc xây dựng trái phép, mua đi bán lại trao tay chính quyền xã đều biết. Theo lãnh đạo xã Hợp Thanh thì những vi phạm này hiện vẫn tồn tại mà xã chưa có hướng giải quyết.

“Xã đã rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết theo QĐ 37 năm 2016 về xử lý các trường hợp được thôn, xã bán đất trái thẩm quyền đã xây dựng nhà ở, nếu phù hợp quy hoạch thì xã đề nghị các cấp có thẩm quyền cho hướng xử lý”- ông Tiệp kiến nghị.

Thiết nghĩ, những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất ở xã Hợp Thanh còn tồn tại đến ngày nay cần sớm được UBND huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội giải quyết triệt để, nhằm mang lại niềm tin cho người dân.

Trần Hằng – Việt Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/can-xu-ly-triet-de-nhung-vi-pham-ton-tai-bai-cuoi-413207/