Cần xử lý doanh nghiệp không tham gia BHXH cho người lao động

Nhiều vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, giải quyết tồn đọng nợ BHXH...., đã được phân tích tại cuộc làm việc giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Sở LĐTB&XH; Bảo hiểm xã hội Nghệ An chiều 22/2.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham gia có đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện HĐND tỉnh.

Theo mục tiêu mà Trung ương đặt ra, phấn đấu đến năm 2020, 50% lao động trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế tham gia BHXH. Tuy nhiên, tính bình quân chung cả nước, hiện tỷ lệ tham gia BHXH hiện mới chỉ đạt 24%. Trong đó đối tượng bắt buộc tham gia BHXH mới chỉ đạt 70% và đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 205.000 người.

Riêng đối với Nghệ An, tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 71,9%; số người tham gia BHXH tự nguyện hơn 24.000 người.

Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu.

Tại cuộc làm việc, báo cáo từ hai cơ quan: Sở LĐTB&XH và Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã làm rõ những khó khăn trong việc mở rộng đối tượng để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.900 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động; trong đó có 1.800 doanh nghiệp đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý.

Mặt khác, hàng năm tỉnh có hơn 13.000 người tham gia xuất khẩu lao động. Mặc dù đây là lực lượng bắt buộc phải tham gia BHXH, tuy nhiên, do trụ sở chính của các doanh nghiệp làm công tác tuyển dụng, ký hợp đồng lao động đều nằm ở ngoài tỉnh mà tỉnh chưa có chế tài để xử lý.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình một số vấn đề mà đoàn quan tâm. Ảnh: Mai Hoa.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia BHXH còn hạn chế; dẫn đến tình trạng người lao động đề nghị với chủ sử dụng lao động không tham gia BHXH hoặc biến tướng thực hiện các dạng hợp đồng lao động khác để trốn đóng BHXH.... Tình trạng nợ đọng BHXH nhiều, với 937 doanh nghiệp nợ.

Ghi nhận thực tiễn khó khăn trong việc mở rộng, phát triển người tham gia BHXH, đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, tỉnh cần tập trung thay đổi cách thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức sát, đúng đối tượng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý các đơn vị không thực hiện tham gia BHXH cho người lao động. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp để tham mưu xử lý nợ đọng BHXH khó đòi theo hướng đảm bảo quyền lợi người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi các quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra./.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201702/can-xu-ly-doanh-nghiep-khong-tham-gia-bhxh-cho-nguoi-lao-dong-2784875/