Cần và đủ!

Vài tháng qua, các hãng hàng không trong và ngoài nước liên tiếp mở nhiều đường bay từ các tỉnh của Nhật Bản đến Đà Nẵng. Đồng thời một số hãng lữ hành lớn của Nhật cho biết, sẽ ưu tiên bán tour đến Việt Nam...

Phố cổ Hội An

Trong Lễ hội Việt-Nhật tổ chức tại Hội An mới đây, một quan chức Nhật Bản cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục giới thiệu du khách Nhật đến nhiều hơn với Hội An và các tỉnh Miền Trung, cũng như Việt Nam. Tất cả các hoạt động đó đang làm cho giới kinh doanh du lịch hy vọng khơi dậy “làn sóng” du khách Nhật đến Việt Nam, vốn gần đây đang có xu hướng giảm sút mạnh.

Đầu những năm 2000, có một thời du khách Nhật đổ sang Việt Nam du lịch, thậm chí tạo ra hiện tượng đi Việt Nam trong giới trẻ và các Trường Đại học Nhật. Đặc biệt là Hội An, lúc này được biết như một điểm đến hấp dẫn, vì trong lịch sử phát triển, thương cảng Hội An cách đây 400 năm, vùng đất này đã từng là nơi người Nhật đến định cư, mua bán, lập gia đình với người bản địa.

Tuy vậy, mươi năm gần đây, trái ngược với điều kiện tốt hơn cả về phương tiện đi lại, lẫn khả năng lưu trú… nhưng du khách Nhật đến Việt Nam lại giảm đến mức đáng ngạc nhiên. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm qua chỉ có hơn 740.000 lượt khách đến từ Nhật Bản, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc và ít hơn Trung Quốc đến gần 2 triệu lượt. Một chuyên gia du lịch nhận định nguyên nhân là do người Nhật nhận thấy, tuy Việt Nam là một điểm đến mới mẻ, nhưng sự hiếu kỳ nào rồi cũng qua, và ngày càng trở nên kém hấp dẫn khi không còn gì mới mẻ, sau chuyến đi thứ hai…

Vậy yếu tố luôn luôn mới là gì? Bên cạnh thiên nhiên, di tích lịch sử và hàng hóa thiếu đầu tư bài bản thì, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tỏ ra dễ dãi chọn thị trường “dễ chịu”; thiếu chủ động tiếp cận thị trường khó tính, nhưng giàu tiềm năng; nhiều đơn vị kinh doanh du lịch Việt Nam thỏa mãn với thị trường mới không quá khó tính như Nga, Trung Quốc... và mất liên lạc đối tác với các thị trường truyền thống, trong đó, có Nhật Bản trước đây.

Hiện có thể nói, ngành Du lịch Việt Nam đang đối diện với nhiều cơ hội vàng, khi nhiều hãng bay liên tiếp, như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar… mở các chuyến bay trực tiếp, theo lịch (thay vì charter) đến đi với các nước, vốn là “bạn hàng” cũ. Tuy vậy sự cố gắng của ngành hàng không và chính quyền các địa phương chỉ là điều kiện cần và sẽ trở nên vô ích, khi bản thân ngành du lịch tỏ ra chậm chạp, thiếu đáp ứng với nhu cầu đa dạng của các thị trường.

NGUYỄN TRUNG HIẾU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/can-va-du-550614.ldo