Cần ưu tiên doanh nghiệp do nữ làm chủ

Vừa qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, tổ chức hội thảo “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Theo Báo cáo nghiên cứu của dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vục tư nhân vùng Mê Kông (MBI); Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) thực hiện, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đât nước.

Cụ thể, phụ nữ điều hành 1/4 số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ (43,4% so với 36%).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay đang phải đối mặt với những trở ngại, đặc biệt trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, các nguồn lực và cơ hội tham gia các mạng lưới. Thêm vào đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp.

Hiện nay tại Việt Nam, phụ nữ đang điều hành 1/4 số DNNVV.

Phát biểu hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng ( Phó Chủ tịch VCCI ) đánh giá cao sáng kiến của Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, trong việc đưa vấn đề bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ DNNVV.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, DNNVV là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia. Theo Báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp, ở Việt Nam hiện nay, DNNVV Việt Nam chiếm gần 98% trong tổng số doanh nghiệp, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo; đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm.

Trong đó, các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, ông Phòng cũng nhận định, lâu nay, khu vực DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đã đề cập đến một số giải pháp hỗ trợ. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét luật hóa các chương trình hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó cần tập trung các thông tin về nguồn lực và các cơ hội vào một số đầu mối để doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra cần hỗ trợ xây dựng mạng lưới kinh doanh và xúc tiến thương mại. Quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp cho phụ nữ.

T.L

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-uu-tien-doanh-nghiep-do-nu-lam-chu-43971.html