'Cần từng bước nội địa hóa công nghệ, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu'

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2017.

Hôm nay, ngày 8/9, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2017 nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; trao đổi về giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam - tầm nhìn 2050 cũng như các khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng, với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển bền vững.

Theo Bộ Công thương, năm 2016, năng lượng tái tạo mới đóng góp khoảng 2.500 MW vào hệ thống điện trong khi tiềm năng cho phát điện có thể đạt 21.000 đến 26.000 MW. Nguyên nhân chưa tận dụng được tiềm năng của năng lượng tái tạo là do vốn đầu tư ban đầu rất lớn, chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống. Thêm vào đó, cơ chế hỗ trợ giá cho các dự án năng lượng tái tạo chưa thu hút được các nhà đầu tư...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Cơ chế giá hỗ trợ điện gió chúng ta đã có từ năm 2011, nhưng đến hiện nay mới có chưa đến 200 mê-ga-oát công suất điện phát. Điều này thể hiện cơ chế của chúng ta chưa thực sự phù hợp để thúc đẩy sự phát triển đó. Chính vì vậy, Bộ Công thương đang gấp rút sửa đổi cơ chế hỗ trợ điện gió với một giá thành phù hợp hơn".

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế nói riêng đang tăng trưởng ở mức độ cao. Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng. Cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng ở nước ta đang đặt ra các bài toán cần phải giải quyết.

Theo ông Tùng, hiện nay nước ta đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. “Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của mộ nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ KH&CN cũng cho hay, thời gian qua, Bộ này đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KHCN nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng".

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan, Bộ KH&CN đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

“Luật này đã bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam và đặc biệt là bổ sung các quy định Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước”, ông Tùng nhấn mạnh.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/thoi-su/can-tung-buoc-noi-dia-hoa-cong-nghe-tranh-phu-thuoc-vao-cong-nghe-nhap-khau-158469.ict