Cẩn trọng với 'sóng' thép 2017

Ngày 7-11 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), VietinBankSC, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo “Ngành thép Việt Nam: Thăng trầm và triển vọng”. Hội thảo đã phác họa bức tranh ngành thép trong thời điểm hiện tại cũng như các dự báo về tương lai và những ảnh hưởng đến hoạt động DN.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Một trong những nguyên nhân quan trọng hỗ trợ ngành thép trong nước năm 2016, ngoài việc giá thép thế giới hồi phục còn nằm ở những biện pháp chống bán phá giá thép. TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, phân tích: Việc điều tra và ra quyết định áp thuế diễn ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm nghiên cứu sơ bộ, từ đó đi đến áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời. Giai đoạn 2 sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà làm chính sách sẽ ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế tự vệ, tùy theo kết quả nghiên cứu đạt được, quyết định cuối cùng có thể giữ nguyên, hoặc có mức thuế cao hoặc thấp hơn mức thuế tự vệ ban đầu.

Thực ra trong quá trình tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế thế giới, về nguyên tắc các hàng rào thuế quan đều dần phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, WTO cho phép các nhà sản xuất trong nước sử dụng các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại khác như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các quốc gia khác đã và đang thực hiện rất tốt những biện pháp này, ngay cả những nền kinh tế thép lớn như Hoa Kỳ và các nước EU. Do đó, việc xem xét, đánh giá lại việc kéo dài thời gian áp thuế tự vệ là cần thiết khi thời hạn bảo hộ hết hiệu lực vào năm 2020.

Dự báo về giá thép năm 2017, TS. Nguyễn Văn Sưa đưa ra những biến số đáng lưu ý: “Biến động giá thép năm 2017 sẽ tương tự như giá năm 2016, do nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì mức lợi nhuận hiện tại. Bên cạnh đó, những trung tâm kinh tế của thế giới như EU, Trung Quốc chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu thép sẽ được cắt giảm theo lộ trình. Điều này buộc các công ty trong ngành thép nếu muốn tồn tại và phát triển sẽ phải nâng cao tính cạnh tranh của mình. Mức độ cạnh tranh trong ngành thép giời gian tới sẽ rất quyết liệt khi quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn”.

Dây chuyền sản xuất thép tấm của SMC. Ảnh: LONG THANH

Đồng quan điểm này, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu-Phân tích VietinBankSC, cho rằng hiện tại nói đến ngành thép là nhiều người nghĩ ngay đến thép xây dựng. Điều này có thể phát xuất từ những sản phẩm như thép dây, thép cây trong xây dựng dễ nhận diện, nhưng cũng đến từ nhiều dự án, đơn vị thương mại tập trung cho thép xây dựng. Tuy nhiên, trên thị trường thép vẫn còn những sản phẩm như thép tấm, thép lá, thép ống, thép hình với biên lợi nhuận hấp dẫn và có thể là phân khúc để nhiều công ty khai thác.

Áp lực của DN

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SMC, nhận định một cách thận trọng hơn khi cho rằng “giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới, vào giá dầu do ngành thép là ngành tiêu hao năng lượng lớn, vào chính sách vĩ mô của chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những DN gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng cơ sở tăng mạnh là chưa rõ ràng. Ngành thép là ngành có giá trị lớn, việc giá thép thay đổi 5 hoặc 10% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Điều này cũng buộc các DN phải xây dựng năng lực cạnh tranh cho riêng mình để có thể chống chịu và vượt lên những biến động của giá thép. Để đạt được điều này, DN phải tăng cường vốn, công nghệ, cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu với các khách hàng, đối tác”. Theo chủ trương đã thông qua tại ĐHCĐ SMC diễn ra hồi tháng 4 năm nay, SMC sẽ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Hanwa (Nhật Bản) với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) và tính đến thời điểm 30-6-2016, BVPS của SMC lên đến xấp xỉ 22.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng mới đây, SMC đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông về việc ưu đãi giảm giá phát hành riêng lẻ cho Hanwa xuống còn 18.000 đồng/cổ phiếu bởi 2 nguyên nhân: Hanwa là đối tác chiến lược của SMC, đã hợp tác kinh doanh lâu năm, tạo được uy tín và hiệu quả kinh doanh giữa 2 bên. Thứ hai, giá giao dịch cổ phiếu SMC trên sàn tại thời điểm đàm phán giá phát hành riêng lẻ dao động trong khoảng 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu.

Đợt phát hành CP tăng vốn sẽ giúp SMC bổ sung một nguồn vốn đáng kể để tiếp tục gia tăng năng lực gia công chế biến thép, đầu tư sâu và rộng vào hệ thống nhà máy gia công chế biến thép (coil center) cũng như phát triển các liên doanh với các đối tác nước ngoài. Không phải dễ dàng mà một DN ngành thép có mối quan hệ mật thiết với các đối tác Nhật như SMC. Các đối tác lớn ở châu Á có uy tín như Nippon, Huyndai, China Steel đều có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với SMC. Các DN này thường không tùy tiện trong việc chọn đối tác phân phối do không muốn phá vỡ hệ thống kinh doanh phân phối, bạn hàng truyền thống, thị trường thân thiết. Vì vậy, việc SMC có mối quan hệ lâu năm với các DN nước ngoài nói trên là một lợi thế cạnh tranh mạnh so với các DN thép khác.

Thái Ca

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/can-trong-voi-song-thep-2017.aspx