Cẩn trọng khi phát triển “nóng” cây cao su

QĐND Online - Sáng 27-9, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Tren (Tổ chức phi chính phủ) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su cơ hội và thách thức”.

QĐND Online - Sáng 27-9, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Tren (Tổ chức phi chính phủ) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su cơ hội và thách thức”.

Theo Chiến lược phát triển cao su đến 2015 tầm nhìn đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 (tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009) đề ra mục tiêu đến 2020 phát triển diện tích cao su ổn định ở mức 800.000ha, kim ngạch xuất khẩu mủ cao su phấn đấu đạt 2 tỷ USD. Đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tính đến năm 2012, tổng diện tích cây cao su trong cả nước đạt 915.000ha, với diện tích này Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia có diện tích cao su lớn nhất Thế giới.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mủ cao su năm 2012 đạt khoảng 2,85 tỷ USD, đóng góp 2,5% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng sau mặt hàng nông sản: Gạo, cà phê (các sản phẩm của ngành cao su: Đồ gỗ cao su, mủ cao su, sản phẩm cao su kim ngạch xuất khẩu 2012 đạt 4,26 tỷ USD). Con số về diện tích và kim ngạch hiện nay đã vượt xa con số đề ra trong Chiến lược phát triển cao su đến 2015 tầm nhìn đến 2020.

Đa số ý kiến của các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều khuyến cáo không nên tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển “nóng” cây cao su. Bởi việc phát triển “nóng” cây cao su sẽ tiềm ẩn nguy cơ dư thừa nguồn cung cao su đưa ra thị trường, dẫn đến giá cao su giảm trong thời gian tới. Đặc biệt, việc phát triển “nóng” cây cao su kéo theo tình trạng chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang trồng cao su tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường rừng, hệ sinh thái và đa dạng sinh học rừng.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/264694/Default.aspx