Cẩn trọng khi mua thực phẩm giá rẻ trong siêu thị

Trước khi mua hàng, NTD nên xem kĩ thông tin về hạn sử dụng in trên bao bì mỗi sản phẩm. Ảnh: Linh Linh

“Choáng” vì giá quá rẻ

Trước Tết, gia đình chị T.Chi (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) có vào siêu thị Metro sắm Tết, trong đó có mua sản phẩm tương cà chua C.S với giá chỉ 5.000 đồng/chai, rẻ hơn một nửa so với mức giá niêm yết được bán tại nhiều cửa hàng là 9.500 đồng/chai. Trao đổi với PV, chị Chi cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ giá rẻ là chỉ đơn thuần là chiêu giảm giá của siêu thị để kích cầu người tiêu dùng mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên khi về kiểm tra hạn sử dụng mới thấy sản phẩm sử dụng tốt nhất 9 tháng kể từ NSX (18.5.2016) tức là tốt nhất là dùng trước 18.2.2017. Như vậy tính ra, nhà tôi chỉ còn hơn 1 tháng để sử dụng sản phẩm này trước khi hết hạn”. Đáng chú ý, khi quay lại siêu thị để mua sắm vào ngày 10.2 (tức còn hơn 1 tuần trước khi sản phẩm hết hạn), giá sản phẩm nói trên thậm chí còn được giảm sâu hơn nữa, chỉ còn 2.900 đồng/chai!

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV, vào cuối ngày, nhiều siêu thị trên địa bàn thường tung ra các chương trình giảm giá các sản phẩm bánh tươi, bánh ngọt, thực phẩm chế biến sẵn… dao động từ 30 - 50% hoặc mua 1 tặng 1. Theo đó, các loại bánh được giảm khá mạnh so với giá gốc được niêm yết. Tuy nhiên, khi để ý phần Hạn sử dụng có thể thấy, đa phần các sản phẩm đều hết hạn luôn vào ngày hôm sau (?!). Vừa ra khỏi quầy thanh toán của siêu thị V.M lúc 19h, trao đổi với PV, chị Phạm Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán: “Mình tranh thủ mua bánh để ngày mai ăn sáng nhưng mai cũng là thời điểm hết hạn sử dụng rồi, vì đã trót mua nên mình phải cố ăn hết trong tối nay cho đỡ phí của”. Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng cho biết, vì trót mua nhưng tới tận vài ngày sau mới phát hiện ra đã hết hạn nên đành bỏ đi chứ không còn cách nào khác.

Cẩn thận mắc bẫy

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS.Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Nếu các siêu thị bán sản phẩm đã quá hạn sử dụng thì là hành động vi phạm luật. Tuy nhiên, từ trước đến nay có hiện tượng nhiều đơn vị dùng xảo thuật “giảm giá” những sản phẩm đã gần hết hạn để bán cho người tiêu dùng. Đặc biệt, có những cơ sở còn đưa hàng “cận date” về các vùng nông thôn để bán với giá thấp. Có những doanh nghiệp nhập thuốc, thực phẩm, dược phẩm… ở nước ngoài về tiêu thụ với giá rẻ cũng do gần hết hạn...”.

Ông Thắng cho biết thêm, đối với những sản phẩm gần hết hạn, nhà cung cấp cần công bố công khai thông tin rõ ràng cho khách hàng biết, để họ nhận diện trước khi mua sản phẩm. Những đơn vị nào không minh bạch trong việc này đã tự làm giảm uy tín của mình và đánh mất niềm tin của khách hàng.

Đưa ra lời khuyên đối với người tiêu dùng, ông Thắng cho biết: “Người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên ham của rẻ mà cần xem kĩ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng in trên bao bì mỗi sản phẩm, đặc biệt là thuốc, thực phẩm… trước khi quyết định mua hàng, tránh để “mắc bẫy” của nhà cung cấp”.

Theo kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng (NTD) về bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố, nhóm những hành vi vi phạm quyền lợi NTD mà NTD cho biết từng gặp nhiều nhất trong thời gian qua là: Chất lượng không đảm bảo (25%); gian lận về thời hạn sử dụng (10%); gian lận về xuất xứ (12%)… Trong đó, nhóm hàng hóa, dịch vụ được NTD phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua gồm: Thực phẩm, nước giải khát (19,69%); đồ điện tử, gia dụng (13,05%); hàng hóa tiêu dùng hằng ngày (12,88%)…

Linh Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thi-truong/can-trong-khi-mua-thuc-pham-gia-re-trong-sieu-thi-639595.bld