Cần thủ thành Vinh săn cá nước lợ

Nhiều cần thủ tâm sự, lần đầu tiên câu được cá vược ở Sông Lam cứ như cảm xúc của chàng trai lần đầu cầm tay người con gái mình trộm nhớ. Quốc Sơn

(Baonghean) - Nhiều cần thủ tâm sự, lần đầu tiên câu được cá vược ở Sông Lam cứ như cảm xúc của chàng trai ln đầu cm tay người con gái mình trm nh.

Cầu xăng dầu là điểm câu lý tưởng của nhiều cần thủ nước lợ ở TP Vinh

Cầu xăng dầu là điểm câu lý tưởng của nhiều cần thủ nước lợ ở TP Vinh

Tôi mon men bắt chước câu cá nước lợ được vài tháng nay. Mới đầu ngó người ta câu thấy chẳng có gì ghê gớm: Vài con tôm chết làm mồi, cái cần máy, dăm viên chì, hộp lưỡi là xong.

Tôi mang những thứ mình vừa chuẩn bị rồi phóng xe xuống cầu dầu Hưng Dũng. Mọi người vẫn quen gọi công trình cầu tàu được xây dựng bằng bê tông này là “cầu dầu”. Thực chất nó là công trình cầu tàu phục vụ cập cảng, neo đỗ tàu thuyền để bơm hút xăng dầu từ kho xăng nằm phía trong đê thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh. Và tại sao nhiều “cần thủ nước lợ” lại chọn điểm này đề buông câu. Là vì đoạn này nước quẩn, lại rất sâu, là điểm trú ẩn lý tưởng cho các loại cá, nhất là cá lớn.

Trở lại chuyện học lỏm câu sông của tôi, việc đưa được con cá lên bờ chẳng đơn giản chút nào. Tôi đã cố mãi nhưng vẫn chẳng thể bắt được con nào, trong khi đó thiên hạ rần rần câu được cá to, cá nhỏ. Ra điều, mình vừa không có tẻo teo kinh nghiệm, dụng cụ, đồ nghề lại quá giản đơn.

Rồi cũng có người “quý” cái kiên trì của tôi mà bày cho: “Chú phải mua lấy cái cần tử tế một chút. Ai đời câu sông mà mang cái cần như cọng tóc. Sắm cái máy quấn cước vài ba trăm bạc, chì chạy loại nặng 30 - 40g ấy (chì bằng đầu ngón táy cái, hình bầu dục có lỗ xuyên qua để xâu cước), rồi phao, lưỡi số 12 - 14; Mồi câu chú mua loại tôm đất đang còn sống, rồi phải có cả thùng, máy sục khí để nuôi chúng sống được cả buổi câu”.

Tôi liền “tôn” người đầu tiên ấy dạy cách câu cho mình là “sư phụ”. Anh ta tên là Lê Thanh Dũng, dân câu vẫn gọi anh với “hỗn danh” là Dũng “Trung” hoặc Dũng "tẹc". Dũng năm nay vừa tròn 40 tuổi, ở phường Trung Đô (TP.Vinh), nghề chính của anh là kinh doanh vật liệu xây dựng. Sau này khi quen thân hơn với người đàn ông điển trai pha chút ngang tàng, lì lợm ấy tôi đã kịp nghe những chuyện về “đời câu” của anh. “Cũng gần 20 năm mình biết câu cá sông nước lợ. Trước cái cầu dầu ni cá nhiều vô kể. Chưa ngày mô đi câu mà về không, hôm ít thì được đôi con, nhiều thì dăm, bảy con. Toàn cá hơn 1 cân trở lên. Con cá lớn nhất mình câu được ở cầu dầu ni nặng 9 lô, là mè kẻ” - Dũng hồ hởi khoe.

Anh Lê Thanh Dũng với con cá vược vừa câu được

Mè kẻ là cách gọi khác của người dân ven biển về cá vược - loài cá được xem là hung dữ, tinh quái nhất vùng nước lợ, đồng thời cũng là đặc sản của vùng hạ du sông Lam. Việc câu được mè kẻ cũng đòi hỏi rất công phu. Giống cá mõm dài, lớp vảy trắng bạc, mắt đỏ lừ ấy có hàm răng khỏe nhọn, từ vây lưng cho đến mang đều được xem là vũ khí tự vệ của chúng.

Về cơ bản món khoái khẩu của mè kẻ là tôm sông, loại tôm đất, cũng có lúc chúng bất ngờ cắn mồi câu là con chạch sống. Theo như giải thích của cần thủ chuyên nghiệp thì chẳng qua là do “ngứa mắt thấy ghét” nên chúng đớp mồi chạch. Mè kẻ thường săn mồi ở chỗ nước sâu, xoáy, cách mặt nước độ 1,5 - 2m tùy theo độ nông sâu của khúc sông. Để đánh lừa chúng, dân câu dùng con tôm sống móc lưỡi vào đuôi hoặc vào đầu miễn sao cón tôm vẫn bơi được. Vì loài ăn nổi nên câu cá vược phải dùng phao.

Hộp đựng và máy sục khí của các cần thù để nuôi tôm mồi

Máy sục khí chạy bằng pin có thể giúp cho những con tôm mồi sống cả ngày

Lại nói độ tinh quái của loài “vua" nước lợ này, anh Dũng cho biết: “cá nước lợ thường cắn câu, ăn mồi theo con nước, mè kẻ cũng vậy. Chúng thường săn mồi vào thời điểm con nước bắt đầu lên hoặc xuống và nước sông phải trong không đục thì mới câu được mè kẻ. Đặc biệt khi nước đứng (không chảy - PV) con mè kẻ có thể săn mồi bằng cách kẹp mang - tức là thay vì dùng hàm, chúng có thể bắt mồi bằng mang” - Dũng còn tỏ ra hiểu biết: “Muốn đon chính xác con nước phải nắm được lịch thủy triều. Có ngày nước cường, siêu cường, lại có ngày nước kiệt, siêu kiệt. Trong tháng thường có 2 ngày nước sinh, tức là nước mới hoàn toàn và vào ngày này nước giữ mức ổn định tương đối, không kiệt, không cường nên có thể câu bất cứ buổi nào cũng dính”.

Dân câu mới như tôi thực sự rất ngưỡng mộ kinh nghiệm, kỹ năng săn cá của Dũng. Liên quan đến “đời câu” của người trung niên vừa độ tứ tuần này còn có cả cái ký ức “nhập khám” hơn năm trời cũng do mâu thuẫn cũng từ chuyện câu sông. “Mình đi trại về lại vác cần câu sông. Thiếu chi điểm câu, Nghi Tân, Nghi Thiết, Nghi Quang (Nghi Lộc) đều mò đến hết. Rồi Xuân Song (Nghi Xuân), Đò Điếm ( Hà Tĩnh) cũng đã đến nhiều lần. Ông nào đã nghiện món câu thì đừng nói mà bỏ” - Dũng phẩy chiếc mũ chia sẻ. Ít ai ngờ người đàn ông ấy có tới 4 đứa con, gồm 3 trai, 1 gái; đứa lớn năm nay học 12, đứa bé mới 3 tuổi.

Có vẻ như tôi đã bắt đầu nghiện cái món câu cá nước lợ giống Dũng cách đây non 20 năm. Nếu trong nhóm câu nước lợ thường xuyên có mặt tại cầu xăng dầu, Dũng đương nhiên được “tôn” là số 1 thì vị trí số 2 phải kể đến là người đàn ông đen nhẻm, dáng gầy gò, kỹ tính, cả năm trời không ngày nào vắng bóng bên sông. Mọi người vẫn gọi ông là Hùng “bé”. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với người đàn ông ấy nhưng thấy chưa bao giờ ông ta trở về tay không. Thậm chí cũng là dân câu với nhau nhưng nhiều người phải nể cái độ lì câu của ông Hùng. Chỉ một lon bia, một ổ bánh mì ông có thể ngồi ngó cần từ sáng sớm đến xế chiều.

Câu cá nước lợ không dễ như câu hồ, đập, không thể dùng thính hay mồi xả để nhử cá. Vậy nên có những ngày cá không cắn câu lần nào cũng là thường tình. Vậy thì phải khen cho cái tính kiên trì của cần thủ. Mỗi người đi câu sông thường “thủ” 3 - 5 cần câu rải dây chỗ mà mình tin có thể bắt được cá. Riêng với ông Hùng “bé” không dưới 10 điểm thả cước mỗi lần ông đi câu. Không chỉ câu bằng cần máy, “sát thủ” cá này còn dùng các ống câu thả mồi ngâm. Nghĩa là các ống câu quấn cước buộc chì, lưỡi rồi móc mồi thả xuống đáy sông. Cách câu này thường dùng để bắt cá hồng nước lợ. Sau cá vược, cá hồng là loài được xếp kế tiếp về độ hung dữ, giá trị đặc sản và nó cũng không phải là loại hồng mỹ hay diêu hồng.

Anh Đinh Bạt Hải ở tận xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu), tranh thủ ngày hè về quê vợ ở TP Vinh đến cầu xăng dầu câu cá. Trong ảnh là con cá hồng anh vừa câu được.

Khác với mè kẻ, cá hồng nước lợ thường bắt mồi ở đáy sông, nơi có nhiều vách đá ngầm. Và muốn câu chúng dân “trong nghề phải 5 ăn 5 thua” theo cách nói của ông Nguyễn Văn Hiển, một cần thủ khác ở phường Bến Thủy (TP Vinh). Tức là phải chấp nhận một thực tế: đứt cước, mất chì, lưỡi hoặc kéo được cá lên. Tuy nhiên mỗi khi cá hồng cắn câu các cần thủ giàu kinh nghiệm biết cách đưa chúng lên bờ. Anh Nguyễn Phúc Thọ là người nắm được “bí kíp” đó. “Khi biết con hồng dính lưỡi phải hết sức bình tĩnh, luôn giữ căng cước. Nếu nó đã chui vào hang đá càng phải bình tĩnh lựa con nước, vị trí đề kéo cá lên. Ai mà cứ cố kéo chỉ đứt dây. Cả ngày chỉ được một “phát” mất coi như toi công” - Thọ tỏ ra kinh nghiệm. Tôi đã hỏi Thọ, cớ sao cứ dùng mãi chiếc cần gãy chỉ còn 3 khúc. “Thay nó đi” - tôi nói. Thọ cười hồn nhiên: “Thần may mắn của em đấy! Nó đã giúp em kéo con vược ‘ba lô hai’, mấy chục con hồng từ 1 đến 2 lô. Đừng coi thường “đoản côn” này cái vài lô em giật phát một” - Vui vì cách nói hồn nhiên của cậu trai 30 tuổi chưa vợ, lại càng thấy lạ khi mới đây cũng nhờ “đoản côn” ấy Thọ kéo được con vược hơn 1kg.

Một con cá hồng câu tại cầu xăng dầu nặng gần 1,5kg

Dân câu hồ, đập vẫn thường săn cá yến, nhưng với cần thủ nước lợ cá cân đã quý lắm rồi. “Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn như ri thì cá nước lợ là số 1” - ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ. Lại nói về người đàn ông độ lục tuần này. Ông Hiển cho biết vợ chồng là công nhân về hưu, hằng ngày ông có chiếc xe tải nhỏ chạy chở hàng loanh quanh trong thành phố. Sau 5 giờ chiều là xuống cầu dầu “điểm danh”, ông câu cho đến nửa đêm, có hôm tận sáng. Không được con nào cũng không nản, vì như ông chia sẻ: “ham câu nó ngấm vào máu rồi”.

Chiều xuống, cả cầu tàu xăng dầu bên tuyến đê sông Lam lại xôn xao chuyện cá mú. Rằng: “Mùa ni hiếm tôm đất thì dùng tạm tôm thẻ hay chạch sống làm mồi”. “Chim trời cá nước biết răng mà chiều. May hơn khôn", Mọi người còn “truyền” cho nhau cách để con tôm mồi sống lâu: “Mua lấy cái máy sục khí ôxy, lấy nước hồ nuôi tôm mà thả, không có thì tìm thuốc ôxygen dùng cho thủy sản hòa nước lợ, tôm cứ gọi là sống khỏe cả ngày”… rồi chì, rồi lưỡi, loại máy quấn, chủng loại cần… Tất cả rộn ràng cả khúc hạ du. Tôi cũng chen vào thanh âm ấy để hòa niềm vui cuối buổi chiều với mọi người.

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201607/can-thu-thanh-vinh-san-ca-nuoc-lo-2716782/