Cần thời gian để thích nghi

Không nhân viên phục phụ, không người giám sát, mô hình cửa hàng bán hàng tự động Mama fanbox (24 Liễu Giai, HN), đang thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự thiếu đa dạng mặt hàng kinh doanh, cùng ý thức còn kém của một bộ phận người tiêu dùng, nhiều người lo lắng về tính khả thi của mô hình này.

Nói về mô hình cửa hàng Mama fanbox, bạn Lê Thùy Vân (SV Học viện Tài chính) chia sẻ, trước đây mình chỉ biết đến loại hình kinh doanh này thông qua phương tiện truyền thông và nó chỉ xuất hiện ở nước ngoài. Vì thế, khi xuất hiện ở Hà Nội mình đã tìm đến trải nghiệm ngay. Nó thật sự tiện ích. không gian tuy nhỏ nhưng thoải mái, không có cảnh bon chen, xô bồ, trả giá hay mặc cả…mọi việc tính tiền đều dựa trên sự tự giác, trung thực của khách hàng.

Cùng chung quan điểm với bạn Vân, chị Hà Uyên (Khương Trung, HN) cho biết: “Khi biết có hệ thống cửa hàng Mama fanbox ở Hà Nội, tôi đã tìm đến thử nghiệm và thấy rất thú vị. Sau lần đó tôi đã đưa các con của mình đến đây mua sắm. mặc dù sản phẩm còn ít, không đa dạng, nhưng tôi muốn rèn luyện ý thức cho các con trong việc xây dựng tính tự giác, trung thực. Đó là điều cần thiết phục vụ cho cuộc sống của các con sau này. Tôi nghĩ, cần nhân rộng mô hình cửa hàng này hơn nữa, để nhiều người có thể được trải nghiệm, tiếp xúc và nâng cao ý thức”.

Cửa hàng bán hàng tự động nâng cao tính trung thực của khách hàng.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình cửa hàng tự động của mình, anh Đào Khánh Hiệp chủ cửa hàng cho biết, ý tưởng chợt đến với anh vào năm 2015, sau khi anh đọc được một tờ báo của Nhật Bản nói về mô hình Mini Shop ở Nhật. Theo đó, những cửa hàng như thế này không có người bán, khách mua tự lựa đồ, trả tiền theo giá niêm yết sẵn. Cách làm này không chỉ tiết kiệm được nhân lực, hạ giá thành sản phẩm mà còn mang lại cảm giác thoải mái cho người mua. Đặc biệt, nó còn thuận tiện cho những người chủ cửa hàng bận rộn kiếm thêm thu nhập, bởi kết thúc một ngày làm việc, chủ cửa hàng mới quay lại thu tiền.

Ở các nước có nền công nghệ phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, mô hình cửa hàng bán hàng tự động không còn quá xa lạ và trở thành thói quen của người tiêu dùng. Ngược lại, tại Việt Nam, mặc dù thị trường tiêu dùng rất nhiều tiềm năng, nhưng nói đến cửa hàng bán hàng tự động dường như còn quá lạ lẫm và ít được người tiêu dùng quan tâm, bởi tư duy mua sắm, phong tục tập quán và thói quen.

Tiện ích, hiện đại và văn minh là điều mà bất kỳ khách hàng nào đặt chân đến Mama fanbox đều có thể cảm nhận. Tuy nhiên, không ít khách hàng tìm đến đây đã tỏ ra trăn trở và đặt câu hỏi rằng, liệu mô hình mới này có tồn tại được lâu? Khách hàng có chịu trả tiền, hoặc trả đúng tiền, thậm chí đối với những người không biết công nghệ thì sẽ xử lý như thế nào…?.

Về vấn đề này anh Hiệp cho biết, mọi khách hàng khi bước vào cửa hàng đều được camera giám sát kỹ càng và nhận diện trên 80% khuôn mặt. Nếu có trường hợp thanh toán thiếu xảy ra thì sẽ được hệ thống nhắc nhở và lưu vào danh sách đen, không tự động mở cửa nếu lần sau ghé qua. Tính đến thời điểm hiện tại, qua 4 tháng hoạt động, chưa có trường hợp nào thanh toán thiếu hoặc xảy ra tình trạng mất cắp. Đối với khách hàng lớn tuổi, hoặc có thể chưa quen với máy tính hay chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ, cửa hàng sẽ hướng dẫn qua camera giám sát. Khi đó, khách sẽ nói chuyện gián tiếp với nhân viên tư vấn và được hướng dẫn mua hàng, thanh toán qua hệ thống camera.

Điểm mạnh là vậy, song cũng theo ông chủ cửa hàng Mama fanbox, hạn chế của hệ thống này chính là việc không thể trả được tiền thừa cho khách. Thế nhưng, để giải quyết vấn đề này và đảm bảo thuận tiện cho khách hàng, hệ thống đã nghĩ ra cách tích điểm cho khách vào tài khoản accounts và sẽ được trừ khi lần sau khách hàng đến mua, khi điền đầy đủ thông tin. Khi đó, hệ thống sẽ tự động thông báo khách vẫn dư tiền và hỏi có muốn trừ tiền ở lần trước không. Nếu không, máy tính sẽ tiếp tục lưu lại và cộng thêm 10% cho các lần thanh toán tiếp theo.

Đạt Đỗ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-thoi-gian-de-thich-nghi-46054.html