Cận tết vẫn sa thải hàng loạt người lao động

SGTT.VN - Từ đầu tháng 1.2013, công ty trách nhiệm hữu hạn Sanyo OPT tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang thông báo tới hết ngày 31.1.2013, công ty này sẽ chính thức dừng hoạt động vì thua lỗ kéo dài. Như vậy, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 3.700 công nhân đang làm việc tại đây. Công ty cam kết chi trả đầy đủ các quyền lợi cho người lao động như: lương, đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 1.2013 để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Ông Từ Minh Tùng, chủ tịch công đoàn công ty Sanyo OPT cho biết, sau thông báo nghỉ việc, hiện nay hầu hết lao động đã thu xếp về quê, các cấp công đoàn đang giám sát việc chi trả chế độ cho người lao động đúng và đủ. Hầu hết lao động đều đang chờ đợi sau tết đi tìm việc mới. “Thời điểm cận tết tìm việc rất khó khăn”, ông Tùng nói.

Chị Hoàng Thị Linh vừa nghỉ việc tại một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất cửa nhựa tại huyện Từ Liêm, Hà Nội cùng với hơn 20 lao động của công ty. Chị Linh cho biết, đến thời điểm này tuy công ty chưa tuyên bố phá sản được vì còn phải đòi nợ và trả nợ, tuy nhiên trong thực tế tất cả nhân viên đều đã nghỉ việc và không còn sản xuất nữa. Công ty chỉ còn giữ lại bốn lao động là kế toán công nợ để duy trì hoạt động. “Chúng tôi nghỉ việc may mắn là được trả hết nợ lương, gần tết cũng khó tìm việc làm nên để ra tết mới đi tìm việc”, chị Linh cho biết.

Không chỉ lao động khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Sanyo OPT hay doanh nghiệp tư nhân, lao động khu vực nhà nước cũng lo lắng vì mất việc. Gần 100 lao động thuộc ba trạm thu phí là Ba Chẽ, Vân Đồn, Sông Gianh thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa đóng cửa sau khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ đang trong tình trạng không có việc làm. Theo kế hoạch, sẽ có 17 trạm thu phí đường bộ khác tiếp tục sớm bị đóng cửa, hơn 1.000 lao động đang làm việc tại các trạm thu phí này cũng phải... tìm việc mới.

Theo liên đoàn Lao động Hà Nội, năm 2012 có hơn 41.000 lao động mất việc làm do hơn 12.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Khảo sát sơ bộ từ các doanh nghiệp cho thấy chỉ có 50% doanh nghiệp công nghiệp đủ việc làm cho người lao động dịp cuối năm, có 12,2% doanh nghiệp đang dư thừa lao động và có thể cắt giảm nhân sự. Mức lương cơ bản thực nhận của người lao động cũng chỉ đạt trên 2,86 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết, nền kinh tế suy giảm đã khiến cho các doanh nghiệp khó khăn, tạm dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản đã đẩy nhiều lao động rơi vào thất nghiệp, ngay cả khi tết gần tới. “Những số liệu về việc doanh nghiệp đóng cửa, phá sản tháng sau luôn cao hơn tháng trước đồng nghĩa với việc số lao động bị sa thải ngày càng nhiều”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm tại các tỉnh đang nỗ lực hoạt động để giới thiệu việc làm mới cho lao động thất nghiệp. “Ví dụ tại Bắc Giang đã giới thiệu được việc làm cho 800 công nhân của công ty Sanyo”. Đây là một thực tế khách quan và tình hình sẽ chỉ được cải thiện khi nền kinh tế có dấu hiệu sáng sủa trở lại, các doanh nghiệp hoạt động trở lại và tuyển dụng nhân sự mới”, ông Hòa nói.

Tây Giang

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/174470/can-tet-van-sa-thai-hang-loat-nguoi-lao-dong.html