Cần tạo lập mô hình thể chế vượt trội để Phú Quốc phát triển mạnh mẽ

Hội thảo khoa học đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 15-7, tại đảo Phú Quốc, các ý kiến tham luận đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng.

Mới chỉ “đánh thức” lĩnh vực du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng nhìn nhận, mặc dù có tiềm năng về phát triển kinh tế, song Phú Quốc chỉ thực sự được “đánh thức” sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004, với mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc thành “thành phố biển đảo, trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp, nghiên cứu khoa học công nghệ… của quốc gia và khu vực”.

Ông Phạm Vũ Hồng cho rằng, thực tiễn phát triển Phú Quốc trong hơn 13 năm cho thấy, với tiềm năng, lợi thế của mình nếu có định hướng đúng và cơ chế, chính sách phù hợp sẽ là “đòn bẩy” giúp Phú Quốc phát triển nhanh và tăng tốc chỉ trong một giai đoạn ngắn.

Ông Phạm Vũ Hồng phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, hiện Phú Quốc đang vấp phải những bất cập. Đó là quy mô của nền kinh tế và khối lượng công việc cần giải quyết tương đương với một tỉnh, nhưng tổ chức bộ máy vẫn là cơ quan cấp huyện. Phú Quốc là Đô thị loại II, nhưng mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền vẫn là chính quyền nông thôn.

Một hòn đảo có tiềm năng trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng mới “đánh thức” trong lĩnh vực du lịch, nên chưa thật sự bền vững… Đây chính là những nguyên nhân tỉnh Kiên Giang đã và đang nghiên cứu tìm một mô hình phát triển mới cho Phú Quốc.

Ông Phạm Vũ Hồng cho biết, từ định hướng của T.Ư, từ năm 2017, mô hình phát triển mà Phú Quốc đang hướng đến để xây dựng là mô hình “đặc khu kinh tế”. 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng và bổ sung nội dung đề án, đến nay Đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho Phú Quốc đã cơ bản được định hình. Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang vẫn muốn được tham vấn thêm từ các nhà khoa học, học giả, nhà quản lý, giới trí thức, doanh nghiệp… để có thể hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, dự báo những khó khăn trong quá trình xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Tạo lập mô hình thể chế kinh tế” vượt trội cho Phú Quốc

Theo PGS, TS, Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặc khu là thể chế kinh tế vượt trội, vượt bậc về đẳng cấp phát triển, không chỉ so sánh với các địa phương trong nước mà cả trong so sánh quốc tế. Đặc tính vượt trội này là bản chất định sẵn của đặc khu kinh tế. Nó xuất phát từ vai trò chức năng và nguyên tắc tồn tại - phát triển của đặc khu kinh tế.

Vì lẽ đó, quyền lực độc lập của chính quyền đặc khu phải được xác định rõ, có cơ chế vận hành thông suốt và được bảo đảm bằng luật, không thể chỉ dừng lại ở khái niệm phân cấp, phải có phân quyền thực chất và phải có đủ quyền độc lập để chính quyền đặc khu kinh tế có thể đưa ra những khuyến khích đủ mạnh và những chế tài đủ nghiêm minh. Mục tiêu là tạo động lực bứt phá mạnh nhưng vẫn bảo đảm không vượt quá “lằn ranh” của các nguyên tắc quốc gia tối thượng (chủ quyền, chế độ chính trị và định hướng phát triển cơ bản).

Hội thảo khoa học đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho đơn vị hành chinh - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 15-7.

GS, TS, Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề xuất, cần tạo lập mô hình thể chế vượt trội cho đặc khu kinh tế Phú Quốc, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của đặc khu kinh tế. Mô hình tổ chức bộ máy hiện nay được đề xuất là mô hình thành phố thuộc tỉnh cần được rà soát, nghiên cứu nhằm đảm bảo tính vượt trội, cân đối giữa việc trực thuộc tỉnh và tính độc lập, linh hoạt, ổn định về dài hạn. Thể chế kinh tế đặc biệt cho Phú Quốc phải bảo đảm chính quyền đặc khu kinh tế Phú Quốc được phân quyền và ủy quyền ở “mức độ cao”, được phép xây dựng và thực thi một số quy định pháp lý phù hợp, thực thi một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành.

GS, TS, Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, chính quyền đặc khu kinh tế Phú Quốc phải có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi, ưu đãi về đất đai, nhà ở, ban hành chính sách đối với người lao động, chính sách giải phóng mặt bằng… Về bộ máy hành chính cần tinh gọn, giảm thiểu các đơn vị chức năng, áp dụng các công cụ Chính phủ điện tử, thành phố thông minh...

Theo PGS, TS, Phạm Ngọc Lãng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, với việc trở thành một đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Phú Quốc cần định hướng một chiến lược phát triển mang tính đột phá và bền vững, có giá trị thặng dư cao trong chuỗi sản xuất-dịch vụ toàn cầu để trở thành một đặc khu kinh tế đặc sắc mang tầm vóc quốc tế. Theo đó, cùng với vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế-xã hội và những ưu đãi của Chính phủ, Phú Quốc cần bắt tay ngay việc “thu phục” hiền tài chung tay xây dựng Phú Quốc, lấy kinh tế tri thức làm nhiệm vụ trung tâm, đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng nền tảng nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong việc định hình nền kinh tế tri thức, tạo giá trị cao cho nền kinh tế của mình thông qua các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, sẵn sàng nguồn lực con người và tài chính cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bàn về chính sách đất đai cho Phú Quốc, GS, TSKH Đặng Hùng Võ đề xuất, Phú Quốc cần được phép áp dụng những chính sách riêng về đất đai và tìm vốn đầu tư. Mở rộng quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư dự án, cá nhân đầu tư thứ cấp trong phát triển, kinh doanh nhà ở và bất động sản du lịch-nghỉ dưỡng kể cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; cho phép các chủ đầu tư dự án được thế chấp bằng bất động sản ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng có pháp nhân nước ngoài; cơ chế chuyển dịch đất đai dựa trên phối hợp giữa cơ chế bắt buộc của Nhà nước và thỏa thuận đồng thuận giữa chủ đầu tư dự án với cộng đồng những người đang sử dụng đất…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33477902-can-tao-lap-mo-hinh-the-che-vuot-troi-de-phu-quoc-phat-trien-manh-me.html