Cần tăng tính khả thi của chính sách

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài dù đã hay chưa tham gia đều bắt buộc phải đóng BHXH. Tuy được đánh giá là một chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh sau này cho người lao động, nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong vai trò người thu BHXH hộ, còn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không muốn tham gia BHXH bắt buộc…

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong chín tháng năm 2016 chỉ có khoảng 1.500 người lao động (NLĐ) làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH trên tổng số mấy chục nghìn lao động xuất cảnh. Còn thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau gần một năm triển khai quy định của Luật BHXH, hiện có tất cả 4.878 NLĐ ở nước ngoài tham gia BHXH. Có thể thấy, con số này quá thấp so với số lượng hơn 100 nghìn lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, và rất thấp so với mấy trăm nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.

Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Trí Đại cho biết: Trong số gần 5.000 NLĐ ở nước ngoài có tham gia BHXH, ngoài số chuyên gia, lao động đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó, thì riêng 29 công ty hàng hải tại Hải Phòng đã ký hợp đồng lao động với 2.434 NLĐ khi đưa ra nước ngoài làm việc; TP Hồ Chí Minh có hơn 1.000 người, còn TP Hà Nội mới có khoảng 400 người tham gia...

BHXH bắt buộc đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được quy định cụ thể trong Luật BHXH và Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Theo đó, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài (trường hợp đã tham gia BHXH bắt buộc); bằng 22% của hai lần mức lương cơ sở (trường hợp chưa tham gia BHXH bắt buộc). Người lao động có thể đóng ba tháng, sáu tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng. Về hình thức đóng, NLĐ đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử.

Như vậy, với những người chưa tham gia BHXH bắt buộc, với mức đóng bằng 22% của hai lần mức lương cơ sở, hằng tháng NLĐ phải đóng khoảng hơn 500 nghìn đồng/tháng. Mức đóng này không phải là quá cao, nhưng thực tế nhiều NLĐ vẫn còn ngần ngại.

Tuy nhiên, như chị Nguyễn Minh Ngọc (Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang làm trong một công ty môi trường tại Xơ-un (Hàn Quốc) chia sẻ, chị đi xuất khẩu lao động được gần ba năm, nhưng trước đây ở nhà chỉ là lao động tự do cho nên không đóng BHXH, nay thời hạn lao động sắp hết nếu có đóng BHXH bắt buộc theo quy định cũng không biết để làm gì. Chỗ làm của chị có gần một chục lao động người Việt Nam, có người mới sang, có người được gia hạn lần hai, nhưng cũng chưa thấy ai tham gia BHXH…

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD), Lê Nhật Tân cho rằng, hiện nay phần lớn người đi lao động ở nước ngoài ít hiểu về chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến các nội dung, kỹ năng khi đi xuất khẩu lao động và các khoản bảo hiểm buộc phải đóng ở nước sở tại. Hiện nay, có hai loại lao động: Đối tượng thứ nhất là lao động trẻ, chưa từng tham gia làm việc, hay đóng BHXH ở Việt Nam, công ty đã thông báo, giới thiệu về việc tham gia BHXH nhưng hầu như người lao động không muốn tham gia. Đối tượng thứ hai là các lao động có kỹ năng, đã có nhiều năm làm việc và đóng BHXH tại các công ty của Việt Nam. Số này vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia BHXH...

Làm sao để khả thi ?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Xuân An cho biết: Chúng tôi hoan nghênh quy định mới hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, lo lợi ích lâu dài cho NLĐ nhưng cũng băn khoăn về tính khả thi. Bởi các doanh nghiệp phần lớn ngại gánh phần thu hộ, còn NLĐ thì không muốn tham gia.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam, Luật BHXH và Nghị định hướng dẫn cũng chưa có bất cứ điều kiện nào quy định, ràng buộc trách nhiệm của lao động đi làm việc ở nước ngoài về việc tham gia BHXH. Hiện cũng chưa có chế tài nào cưỡng chế số lao động này thi hành quy định tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, rất khó yêu cầu NLĐ tham gia BHXH.

Nhưng Phó Cục trưởng Tống Hải Nam khẳng định, đây là chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh cho NLĐ khi về già, và không có chuyện họ phải đóng quá nhiều loại bảo hiểm cùng một lúc khi đi xuất khẩu lao động. Vì những loại bảo hiểm mà NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đóng tại nước sở tại thường là: Bảo hiểm lao động, bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm y tế…, để được chi trả các chi phí liên quan khi gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau trong quá trình làm việc tại nước ngoài. Loại bảo hiểm này sẽ được thanh toán một lần khi hết hạn hợp đồng lao động, không phải là loại hình BHXH để hưởng lương hưu, tử tuất như ở Việt Nam. Khi trở về nước, NLĐ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức họ lựa chọn phù hợp với khả năng để khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Hoặc, khi về nước NLĐ không muốn và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì họ có thể nhận BHXH một lần. Chính sách cũng được thiết kế thuận lợi, linh hoạt về cách đóng để không tạo gánh nặng cho NLĐ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng cho rằng, Nghị định 115/CP chưa phủ hết đối tượng. Cụ thể, Nghị định 115/CP chỉ quy định chung chung đối tượng "NLĐ đi làm việc ở nước ngoài" mà không nhắc đến thực tập sinh. Vậy, NLĐ theo chương trình thực tập sinh hay hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản, Đức theo chương trình thực tập nâng cao tay nghề có thuộc phạm vi điều chỉnh hay không?... Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm thu hộ, không phải chi trả một phần BHXH cho NLĐ nhưng chắc chắn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Bởi NLĐ vốn đã bỏ ra nhiều chi phí để đi xuất khẩu lao động, nay phải đóng thêm BHXH bắt buộc, gánh nặng tài chính có thể khiến nhiều người bỏ cuộc. Chưa kể, quy định "cào bằng" mức đóng 22% trên mức lương cơ sở sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, nhất là đối với những người sang các thị trường có thu nhập thấp như Ma-lai-xi-a hoặc các nước Trung Đông…

Trưởng Ban Thu Nguyễn Trí Đại cho rằng, về phía cơ quan BHXH việc tổ chức thu BHXH, thông qua doanh nghiệp hay NLĐ không có gì khó khăn. Nhưng để chính sách thật sự khả thi cần có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là cần có cơ chế, chế tài rõ ràng cam kết giữa NLĐ và doanh nghiệp. Như, NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài cần có sự cam kết với doanh nghiệp, hay tổ chức phái cử về việc phải tham gia BHXH bắt buộc; hay xem xét mức đóng phù hợp cho các thị trường lao động khác nhau…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31395002-can-tang-tinh-kha-thi-cua-chinh-sach.html