Cần tăng năng lực hướng nghiệp trong trường phổ thông

GD&TĐ - Nội dung bỏ điểm sàn đại học trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình; nhưng cũng còn những lo lắng khi cho rằng việc bỏ điểm sàn đầu vào đại học như vậy sẽ dẫn đến không đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, cũng như việc các trường cao đẳng đã khó tuyển sinh nay lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, phân tích kỹ giữa cái được và mất, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, những lo lắng trên là hơi quá thực tế…

Điểm sàn đã không còn ý nghĩa

Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến lo lắng về việc bỏ điểm sàn đại học sẽ kéo theo chất lượng kém. Một phản ứng hoàn toàn tự nhiên vì từ xưa đến nay điểm sàn đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người như là rào cản giữ chất lượng đầu vào tuyển sinh cho các trường.

Thực tế cho thấy, từ năm 2014 trở về trước, sau mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cả xã hội lại hồi hộp chờ đợi Hội đồng điểm sàn công bố ngưỡng điểm xét tuyển cho các khối thi. Lo lắng nhất lại không phải là người dân mà là các trường ĐH, CĐ tốp dưới, với mối lo duy nhất là điểm sàn sẽ khiến các trường khó khăn về nguồn tuyển.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sự việc đã hoàn toàn khác, khi kỳ thi “3 chung” không còn thì “điểm sàn” đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, về cơ bản là không có ý nghĩa gì nữa. Đối với những trường, ngành có uy tín xã hội cao thì mặc nhiên họ không quan tâm đến điểm sàn vì thực tế là thí sinh dự thi, xét tuyển vào trường này đều phải trên sàn rất nhiều vì tính cạnh tranh cao và những trường đã được kiểm định.

Còn những trường ĐH, CĐ tốp dưới, những trường ngoài công lập thì thực tế là 2 năm nay, nhiều trường đang kết hợp cả phương thức xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia (có tính điểm sàn xét tuyển - NV) và xét tuyển từ học bạ phổ thông nên chắc rằng điểm sàn chắc chắn không ảnh hưởng quá đến việc xét tuyển của các trường này.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đến nay điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa. Từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới tuyển sinh, nhiều chuyên gia và trường ĐH đề nghị Bộ không nên quy định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”.

Lý giải về việc Bộ đưa ra quyết định bỏ điểm sàn trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Đây là dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015 và năm 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT còn các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Giữ uy tín với xã hội, tăng năng lực hướng nghiệp

Trước khi đưa quy định bỏ điểm sàn vào dự thảo Quy chế, chắc chắn Bộ GD&ĐT cũng đã biết trước được băn khoăn của dư luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng. Thực tế cho thấy 2 năm qua việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh đã có nhiều thay đổi. Người học đã tự biết đánh giá năng lực đào tạo của trường này ra sao, học trường kia thế nào.

Nhìn vào kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, trường nghề những mùa tuyển sinh gần đây cho thấy, người học đã không hẳn giữ nguyên quan điểm là vào bằng được một trường đại học nào đó, đã có xu hướng dịch chuyển từ trường đại học sang trường nghề. Hay như việc có những thí sinh điểm khá cao nhưng vẫn không chấp nhận vào một trường đại học kém về uy tín, đợi năm sau để tìm cơ hội thi trở lại.

Vẫn biết rằng sẽ có trường tranh thủ việc bỏ điểm sàn để chạy theo số lượng dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ. Nhưng vấn đề là trong một môi trường cạnh tranh ngày càng cao thì việc trường này hay trường kia bỏ qua chất lượng, vơ bèo gạt tép là điều mà các trường chắc chắn cũng sẽ phải cân nhắc được - mất.

Nếu trường nào đó bỏ qua chất lượng đầu vào chỉ để mong tuyển cho nhiều người học thì chắc chắn sẽ khó mà giữ được chất lượng đào tạo, khi đó người học, xã hội sẽ không tin tưởng và bỏ rơi là điều không trường nào muốn.

Hơn thế nữa, trong một xu hướng bảo đảm và nâng cao chất lượng trong đào tạo đại học, Bộ GD&ĐT đang chủ trương lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động. Để thực hiện mục tiêu nào, Bộ GD&ĐT cũng đang tăng cường công tác kiểm định chất lượng GD ở các nhà trường, đây cũng là một trong nhiều cách thức để kiểm soát chất lượng đào tạo.

Là một tỉnh vừa có vùng kinh tế - xã hội phát triển, nhưng cũng có núi cao đảo xa và vùng dân tộc khó khăn, Quảng Ninh được coi như một Việt Nam thu nhỏ. Cùng với việc cần phải nâng cao uy tín với người học và xã hội đối với các nhà trường thì Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng vai trò tư vấn hướng nghiệp ở địa phương cũng hết sức quan trọng.

Thực tế cho thấy học sinh Quảng Ninh có sự đa dạng về lựa chọn ngành nghề, đại học không phải là lựa chọn duy nhất, mà là những ngành nghề, trường phù hợp với năng lực học tập của mỗi người cũng như điều kiện gia đình. Bà Oanh đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT và các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp.

Hơn ai hết, chính các thầy, các cô mới hiểu được lực học của học sinh, sở thích ngành nghề của các em như thế nào. Trên cơ sở hiểu biết của mình về xu hướng nghề trong xã hội mà đưa ra những tư vấn phù hợp.

Nhận định về nội dung này, TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội - cho rằng: Xã hội đang quá lo lắng về một nội dung thực tế là không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển sinh của các trường. Cứ nhìn vào xu hướng nghề nghiệp và việc lựa chọn trường của thí sinh những năm qua cho thấy, trường nào người học đó, vấn đề là uy tín của trường đó với người học với xã hội mà thôi chứ điểm sàn không còn có ý nghĩa nữa. Như ở Viện Đại học Mở Hà Nội chúng tôi đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh đúng ngành nghề, sát với năng lực học tập của các em. Thế nên ở mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, chúng tôi chỉ xét tuyển duy nhất 1 đợt và đã đạt ngay hơn 95% tổng chỉ tiêu. Tôi cho rằng vấn đề đặt ra ở các trường ĐH, CĐ hay trường nghề và đặc biệt là các trường THPT là cần phải nâng cao năng lực hướng nghiệp, để người học, thí sinh có hiểu biết và đưa ra quyết định chính xác, phù hợp nhất với mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-tang-nang-luc-huong-nghiep-trong-truong-pho-thong-2752059-b.html