Cần tầm nhìn và chiến lược phát triển giao thông công cộng

Đây là đề xuất của TS Phạm Thái Sơn, chương trình đào tạo thạc sĩ phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức, để TP HCM đảm bảo hoạt động hiệu quả hệ thống giao thông công cộng (GTCC) và đạt được các mục tiêu tổng thể về phát triển đô thị bền vững.

Cần những nghiên cứu về tàu điện ngầm để phát triển giao thông đô thị TP HCM. Ảnh: HO

Tàu điện ngầm tác động lớn đến GTCC

TP đã xác định 8 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến xe điện cùng 6 tuyến buýt khối lượng lớn và hơn 200 tuyến xe buýt khác để xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp. Hệ thống tàu điện ngầm, bao gồm 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 143km và 121 nhà ga được coi là một hợp phần quan trọng cho quy hoạch tổng thể giao thông TP. Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án tuyến metro số 1 đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2019.

TP cũng có được cam kết về nguồn vốn ODA từ một số nhà tài trợ quốc tế cho các dự án tuyến số 2 và tuyến số 5. 5 tuyến còn lại chưa nhận được bất kì cam kết tài chính nào.

“Hệ thống tàu điện ngầm dự kiến sẽ có tác động lớn đến giao thông đô thị tại TP HCM. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, hệ thống tàu điện ngầm chỉ có thể thành công nếu nó được hỗ trợ bởi một chiến lược phát triển đô thị tích hợp liên kết quy hoạch giao thông đô thị và quy hoạch sử dụng đất hoặc chiến lược phát triển theo định hướng GTCC”. TS Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Phạm vi hoạt động của tàu điện ngầm

TS Phạm Thái Sơn nhấn mạnh: “TP cần phải có tầm nhìn và chiến lược phát triển theo định hướng GTCC nhằm khuyến khích phát triển với mật độ cao hơn và phát triển các khu hỗn hợp tại các khu vực xung quanh nhà ga GTCC để đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống GTCC và đạt được các mục tiêu tổng thể về phát triển đô thị bền vững”.

Dựa trên phương pháp phân tích phạm vi phục vụ cho các hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai cũng như nghiên cứu thực tế, các chuyên gia giao thông đã xác định TP HCM sẽ gặp phải những thách thức về GTCC ở cấp độ TP với xu hướng giảm tỷ lệ dân số xung quanh các nhà ga thì TP không hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống tàu điện ngầm. Chỉ có 21% dân số hiện tại sống trong bán kính 500m từ ga tàu điện ngầm, dẫn tới thách thức lớn đối với sự thành công của hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai. Cùng với đó, thách thức mà TP HCM gặp phải còn ở cấp độ cấp vùng khi tồn tại sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng; thách thức ở cấp độ nhà ga về sử dụng và điều kiện tiếp cận...

Bởi vậy, theo TS Phạm Thái Sơn trong tầm nhìn và chiến lược phát triển GTCC cần nghiên cứu sâu hơn đối với các cơ quan hành chính liên quan của TP HCM. Đây sẽ là bước quan trọng cho sự thành công của hệ thống giao thông đô thị trong tương lai. Cuộc khảo sát và nghiên cứu này có thể dẫn đến khuyến nghị cho việc tái cơ cấu các cơ quan nếu thấy cần thiết.

Một đánh giá chi tiết với các khu vực nhà ga nên được thực hiện với điều tra và khảo sát thực địa chuyên sâu. Việc này được kỳ vọng sẽ dẫn đến việc phân loại các nhà ga tàu điện ngầm và các khu vực xung quanh để đề xuất các quy hoạch phát triển tương ứng với ưu tiên khác nhau cho từng loại nhà ga.

Bên cạnh đó, việc thiết kế không gian công cộng và các tuyến đường đi bộ và đi xe đạp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận đến các nhà ga sẽ là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của tầm nhìn và chiến lược phát triển GTCC. Cần một nghiên cứu với dự án thí điểm để đóng góp hữu ích...

“Để có cơ sở khoa học thúc đẩy cho sự phát triển với mật độ cao hơn ở các khu vực xung quanh nhà ga, nghiên cứu về mật độ đô thị cần được thực hiện để hiểu được cách người dân cảm nhận mật độ, từ đó có các giải pháp thiết kế đô thị nhằm giảm thiểu nhận thức tiêu cực đối với mật độ cao của người dân. Những phát hiện này có thể đóng góp vào sự xây dựng một ma trận mật độ như một công cụ hỗ trợ công tác quản lý phát triển đô thị tại TP HCM”, TS Phạm Thái Sơn gợi ý.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/can-tam-nhin-va-chien-luoc-phat-trien-giao-thong-cong-cong_t114c1146n111447