Cần sự đồng thuận khi triển khai hệ thống xe buýt công cộng ở Thái Bình

Nhằm từng bước phát triển mạng lưới xe buýt công cộng phủ khắp địa bàn tỉnh, ngày 23-6-2015, UBND tỉnh Thái Bình ra văn bản số 2014/UBND-CTXDGT về việc không lập quy hoạch tuyến vận tải khách nội tỉnh trên địa bàn. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 15-7-2015, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh ký Thông báo số 754 gửi những đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô-tô cũng như các bến xe khách trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bạn đọc phản ánh vẫn còn một số bất cập, cần có sự đồng thuận của các doanh nghiệp vận tải địa phương.

Theo đó, các đơn vị vận tải có khoảng gần hai năm để chuyển đổi và dừng hoạt động các phương tiện (ngày 23-6-2017). Ðây là lộ trình nhằm thực hiện Quyết định số 372 ngày 26-2-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe ta-xi và các tuyến vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2020 tỉnh sẽ có 11 tuyến xe buýt, năm 2030 phát triển thêm tám tuyến nâng tổng số tuyến xe buýt thành 19 tuyến. Các tuyến xe buýt khi đó sẽ phủ kín địa bàn các huyện, thành phố bao gồm tuyến từ thành phố đi trung tâm các huyện, tuyến vành đai và tuyến liền kề sang các địa phương lân cận như Hà Nam, Nam Ðịnh, Hưng Yên, Hải Phòng…

Ngay khi Sở GTVT tỉnh Thái Bình ra thông báo dừng hoạt động vận tải xe khách nội tỉnh vào ngày 23-6-2017, các doanh nghiệp vận tải phản đối quyết liệt. Theo họ, thông báo này không đúng với quy định của pháp luật và đang đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, vỡ nợ. Ông Nguyễn Việt Linh, chủ một xe khách hoạt động thông qua Công ty Quỳnh Hưng để chạy tuyến Hưng Hà - TP Thái Bình, cho biết: Xe của ông ký hợp đồng bến bãi tại bến xe TP Thái Bình đến 31-12-2017 mới hết hạn. Hàng tháng ông phải đóng cố định 1,3 triệu đồng/đầu xe cho công ty Quỳnh Hưng cũng như phải tự lo tiền bến bãi, tiền lương cho lái xe... Tổng chi phí mỗi tháng mất cả chục triệu đồng/đầu xe. Ðể tiết kiệm chi phí, bản thân ông Linh phải trực tiếp làm lơ xe. Ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Xí nghiệp vận tải 27-7 Ðông Hưng, bức xúc cho rằng UBND tỉnh cùng Sở GTVT chưa bao giờ họp bàn hay có một cuộc tiếp xúc với những doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải có tuyến xe khách cố định chạy nội tỉnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng hoặc phổ biến chủ trương mới; việc ra thông báo cấm xe khách hoạt động khiến các nhà xe "trở tay không kịp". Theo ông Sơn, sự bất cập nằm ở việc cấm các doanh nghiệp xe khách như đơn vị của ông hoạt động song lại cho phép một công ty khác là Công ty cổ phần xe khách Hoàng Hà được độc quyền hoạt động xe buýt.

Ông Bùi Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải và An toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Thái Bình, cho biết: Hơn mười năm trước, khi hoạt động vận tải khách bằng xe buýt còn khá mới mẻ, phần lớn các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh không mặn mà. Năm 2005, chỉ có Công ty cổ phần xe khách Hoàng Hà nhập cuộc, đầu tư phương tiện và duy trì hoạt động cho đến nay. Trong những năm 2012-2013, có thêm Công ty TNHH Hưng Thành (TP Thái Bình) đề xuất cho khai thác tuyến xe buýt từ chùa Keo (huyện Vũ Thư) đến khu vực phà Tịnh Xuyên (huyện Vũ Thư) nhưng cũng chỉ hoạt động được một năm rồi ngừng vì thua lỗ. Ðiều này cho thấy, Sở GTVT không có sự gây khó dễ cho các doanh nghiệp khác và ưu ái Công ty vận tải ô-tô Hoàng Hà. Trước khi ra thông báo dừng hoạt động của xe vận tải khách nội tỉnh, các xe này chỉ chạy bốn tuyến từ thành phố đi huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Quỳnh Phụ và Hưng Hà (các tuyến còn lại như Vũ Thư, Ðông Hưng, Kiến Xương không hoạt động). Mặt khác, Sở đã ra thông báo dừng hoạt động cách đây gần hai năm, đến nay có ba lần thông báo đến các doanh nghiệp và trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương. Hiện nay, trên địa bàn đã có sáu tuyến xe buýt của Công ty vận tải ô-tô Hoàng Hà từ thành phố đi tất cả các huyện, thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày, phục vụ với tần suất 30 phút/chuyến, vào ngày lễ, Tết tần suất 15 phút/chuyến đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Do đó, việc dừng hoạt động xe khách nội tỉnh của tám doanh nghiệp với 32 đầu xe từ ngày 23-6 vừa qua là hoàn toàn phù hợp.

Ngày 20-7-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cùng các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh. Tại đây, người đứng đầu chính quyền địa phương khẳng định việc chuyển đổi vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh sang vận tải khách bằng xe buýt là đúng với quy định hiện hành, hợp với tình hình thực tiễn và sẽ không thay đổi chủ trương. Tỉnh yêu cầu Sở GTVT khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch tuyến xe buýt nội tỉnh để phủ kín các vùng miền trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và công bố công khai quy hoạch. Tỉnh thống nhất kéo dài thời gian khai thác vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh đến hết ngày 20-10-2017 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm thời gian chuyển đổi sang vận tải khách bằng xe buýt theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Việc một số chủ xe không chấp hành quy định của Sở GTVT trong thời gian qua là việc đáng tiếc. Sở GTVT cần phối hợp các cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, đại diện các bến xe nội tỉnh tiếp tục vận động, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ chủ trương lâu dài của tỉnh trong phát triển vận tải khách bằng xe buýt, từ đó tạo đồng thuận và chấp hành nghiêm một chủ trương đúng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

Bài và ảnh: MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34101602-can-su-dong-thuan-khi-trien-khai-he-thong-xe-buyt-cong-cong-o-thai-binh.html