Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (viết tắt: NĐ46) quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 26-5-2016 đã quy định rõ ràng và cụ thể nhất để cho các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng, vận dụng trong công tác xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Qua thực tiễn áp dụng NĐ46 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã nảy sinh vướng mắc đối với một số trường hợp trong việc thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Đó là vướng mắc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) đối với một số trường hợp. Theo quy định tại khoản 2, điều 78, NĐ46, thì: “Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý VPHC. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý VPHC, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản VPHC, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục Điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.

Như vậy, Chánh Thanh tra Sở GTVT có thẩm quyền ban hành văn bản tạm giữ Giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của người điều khiển ô-tô có hành vi VPHC nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp phải khó khăn, vướng mắc nhất định nếu trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông “cố tình” không chấp hành quyết định xử phạt VPHC. Bởi, theo quy định của Luật xử lý VPHC, Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC thì các biện pháp cưỡng chế gồm: khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra một lái xe khách về nồng độ cồn theo NĐ 46. Ảnh: Đ.B

Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra một lái xe khách về nồng độ cồn theo NĐ 46. Ảnh: Đ.B

Việc tạm giữ Giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của xe ô-tô chưa thể đảm bảo cho việc thực thi quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp này. Ngoài ra, trên thực tế, một số Sở GTVT đã tiến hành thông báo bằng văn bản gửi Cục đăng kiểm Việt Nam và Trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư biết, phối hợp giải quyết nhưng hiệu quả mang lại có thể nói là chưa đạt được do thực tế chưa có văn bản pháp quy nào quy định về vấn đề này. Theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì “Việc lập hồ sơ phương tiện, kiểm định (kể cả khi bổ sung, sửa đổi hồ sơ phương tiện) đối với xe cơ giới được thực hiện tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước- khoản 1, điều 6”.

Như vậy, người lái xe có hành vi vi phạm Luật GTĐB, bị xử phạt VPHC và bị tạm giữ Giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ sẵn sàng không thực hiện quyết định xử phạt hành chính của cấp có thẩm quyền và cũng không cần quan tâm đến đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang bị tạm giữ. Người vi phạm có thể tiến hành việc đề nghị cấp giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại bất kỳ một đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước và các đơn vị thực hiện việc đăng kiểm không thể từ chối thực hiện việc này, cho dù trong trường hợp đã nhận được văn bản thông báo của các Sở Giao thông vận tải về trường hợp như đã nói ở trên vì chưa có căn cứ pháp lý để không giải quyết yêu cầu của công dân.

Để giải quyết “tận gốc” vấn đề này, góp phần đem lại hiệu lực, hiệu quả cao đối với công tác xử lý VPHC trong lĩnh vực GTĐB, thiết nghĩ, các Bộ ngành có liên quan cần sớm xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể bằng một văn bản pháp quy để làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện việc ngăn chặn, bắt buộc người VPHC phải nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, cấp có thẩm quyền. Nên chăng, trong văn bản đó phải quy định thật cụ thể về các trường hợp đơn vị đăng kiểm được quyền từ chối thực hiện đề nghị cấp Giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với những trường hợp người lái xe điều khiển phương tiện ô-tô vi phạm Luật GTĐB, đang bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và chưa thực hiện việc nộp phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt VPHC thì các đơn vị đăng kiểm mới xem xét tiến hành việc cấp giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho những trường hợp này. Đồng thời, cần ban hành quy chế phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến người VPHC trong lĩnh vực GTĐB đang bị tạm giữ Giấy đăng ký kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính giữa các đơn vị đăng kiểm trên cả nước.

Nguyễn Xuân Viễn

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_156263_ca-n-so-m-tha-o-go-vuo-ng-ma-c-ve-thi-ha-nh-quye-t.aspx