Cần sớm cải cách chính sách tiền lương

“Chính sách tiền lương hiện nay giống như chiếc áo lâu ngày bị rách, cần được thay thế nhanh để thay đổi diện mạo của một con người. Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức đang được đặt ra rất cấp bách, cần giải quyết càng sớm càng tốt”, PGS.TS Trần Xuân Cầu, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói tại hội thảo về cải cách tiền lương do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/10.

Nếu đem suất lương của 10 người trả cho 2 người, họ sẽ làm tốt ngay. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nói tới “tiền đâu” thì lại dừng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động, dẫn tới các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho quan liêu, tham nhũng phát triển. Mặt khác, việc thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, phụ cấp các loại…ngày càng bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của cán bộ, công chức. “Lương thứ trưởng về hưu không bằng lương một ông trung tá”, ông Phúc nói. Theo ông Phúc, dù đã nhiều lần bàn tới cải cách tiền lương, nhưng cứ khi nói tới “tiền đâu” thì lại dừng.

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội chỉ ra hàng loạt bất cập, tạo ra những nghịch lý về tiền lương và năng suất lao động. Ông Lợi phân tích, sau hơn 20 năm, qua hai lần cải cách tiền lương, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương ít được cải thiện. “Đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, quá cồng kềnh gây rất nhiều khó khăn cho cải cách chính sách tiền lương. Tiền lương mang tính cào bằng, lệ thuộc vào thâm niên, chưa đánh giá đúng trình độ và sự đóng góp thực tế của công chức hành chính, do đó không tạo được động lực và áp lực làm việc”, ông Lợi phân tích.

Cũng theo ông Lợi, tình trạng công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” khá nhiều. Ông Lợi dẫn chứng, theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương 700 nghìn người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm. Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ công chức hành chính, đặc biệt những người có chức vụ dù lương thấp nhưng thực tế thu nhập lại cao. “Chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương”, ông Lợi suy luận.

Nói về điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản ánh, khi trao đổi với một vị bộ trưởng đã về hưu, ông đưa ra con số: 1/3 công chức ngồi chơi xơi nước chẳng làm gì cả, 1/3 thì “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 còn lại chỉ chọc phá cản trở. “Đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao phát triển được? Nếu đem suất lương của 10 người trả cho 2 người, họ sẽ làm tốt ngay”, bà Lan nhìn nhận.

PGS.TS Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ví chính sách tiền lương hiện nay giống như “chiếc áo lâu ngày bị rách”, cần được thay thế nhanh. Cải cách chính sách tiền lương cần giải quyết càng sớm càng tốt.

Vào công chức để làm giàu thì dễ phạm tội

Đưa ra phương án đổi mới quản lý tiền lương, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bộ máy nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo nhằm giảm bớt cán bộ “cắp ô”. Qua đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước, khoán biên chế và khoán chi hành chính hàng năm, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra. “Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức”, ông Lợi nêu.

Người có tài thực sự không đặt vấn đề tiền lương lên đầu tiên làm điều kiện, mà người ta cần môi trường làm việc để được cống hiến nhiều hơn. Còn vào công chức để làm giàu thì dễ phạm tội, không bị kỷ luật thì cũng bị truy tố”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Trao đổi với PV bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, lương công chức thường ổn định nhưng để trở thành công chức mà làm giàu thì rất sai lầm. Muốn cải cách tiền lương đạt được kết quả, theo ông Tuấn, trước tiên phải thay đổi nhận thức về trả lương, phải phân biệt người làm tốt, người làm không tốt, lười biếng. Từ đó phải loại người không đáp ứng yêu cầu khỏi hệ thống công vụ, chỉ giữ lại người làm việc tốt, bên cạnh đó có chính sách thu hút nhân tài.

“Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo tiền lương để công chức sống được bằng lương. Cải cách tiền lương phải có chính sách thu hút người có đủ năng lực, có thực tài vào nền công vụ để phục vụ nhân dân. Người có tài thực sự không đặt vấn đề tiền lương lên đầu tiên làm điều kiện, mà người ta cần môi trường làm việc để được cống hiến nhiều hơn. Còn vào công chức để làm giàu thì dễ phạm tội, không bị kỷ luật thì cũng bị truy tố”, ông Tuấn cho hay.

Dũng Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/can-som-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-1061583.tpo