Cần quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông báo chấm dứt khiếu nại

Chiều 15.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: QH)

Theo Báo cáo Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt.

Các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, báo cáo của Chính phủ chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm các số liệu trên cơ sở có so sánh với các năm trước nên tính thuyết phục chưa cao; chưa có đầy đủ số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số nguyên nhân và giải pháp còn chung chung chưa thể hiện rõ nội dung mới của năm 2017, kiến nghị còn ít và chưa cụ thể; những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo.

Ông Định cho rằng, báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm qua, từ đó mới đưa ra được giải pháp thiết thực, có hiệu quả. Nhất là về tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh tại trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương; việc phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một số vụ việc gần đây.

Nêu vấn đề pháp luật chưa có quy định cụ thể về điểm dừng trong giải quyết khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, cần quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông báo chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, cần có một phần mềm kết nối toàn quốc, truy cập phần mềm đó trên cả hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể... để biết các vụ án do ai đang giải quyết, đã chấm dứt khiếu nại chưa, tránh tình trạng đơn thư vẫn tiếp tục gửi vòng vo.

QH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/can-quy-dinh-co-quan-co-tham-quyen-phai-thong-bao-cham-dut-khieu-nai-564819.ldo