Cân nhắc trước sinh kế của người dân!

Một tháng sau khi CA huyện Nam Sách (Hải Dương) phong tỏa các lò gạch kiểu lò đứng liên tục của người dân xã Cộng Hòa, thì chỉ cách một con mương trên đất huyện Kinh Môn những cặp lò gạch kiểu lò đứng của người dân xã Thăng Long vẫn hoạt động bình thường…

Chứng cứ cho thấy ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương biết là lò gạch liên tục kiểu đứng khác hoàn toàn lò gạch thủ công.

Cách một con mương: Bên được làm, bên không!

Sau khi báo Lao Động điện tử đăng tải bài “Hải Dương: CA huyện Nam Sách chặn sinh kế của hàng trăm người lao động” (ra ngày 22.9) phản ánh việc CA huyện Nam Sách cắm chốt phong tỏa không cho các chủ lò gạch kiểu lò đứng liên tục tại xã Cộng Hòa sản xuất, ngày 28.9 lực lượng CA huyện đã rút đi. Tuy nhiên theo người dân xã Cộng Hòa phản ánh, lực lượng CA xã đã đem khóa các vị trí lò, tiếp tục không cho các chủ lò hoạt động.

Trao đổi với PV Báo Lao Động bà Phùng Thị Anh - một chủ lò gạch kiểu lò đứng liên tục cho biết: “Chúng tôi đã có đơn lên xã nhưng ông bí thư và chủ tịch đều bảo “không biết”, làm theo lệnh của huyện, tỉnh. Gần 100 lao động của tôi tản mát, có người sang bên Kinh Môn làm thuê, có người ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh tìm việc, còn phần lớn vẫn ngồi chờ công việc”.

Nhiều người dân xã Cộng Hòa bức xúc, chỉ cách một con mương nhỏ mà bên huyện Kinh Môn người ta vẫn được đóng gạch mộc, đốt lò. “Ngay cả lò thủ công, úp vung gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trong tỉnh Hải Dương này vẫn nhả khói, cớ sao chúng tôi lại bị cấm đoán”, một người dân bức xúc.

Lần tìm sự việc, PV Báo Lao Động nhận thấy việc các cán bộ xã, huyện Nam Sách khẳng định làm theo chỉ thị của UBND tỉnh Hải Dương là có cơ sở. Tuy nhiên, lệnh cấm được ban ra từ một văn bản do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương ký (số 1992/UBND-VP ngày 11.8.2016). Nhưng CV 1992 có nội dung “về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, thế nhưng phần liệt kê những loại lò cấm hoạt động ngay thì lại gộp luôn cả loại lò gạch kiểu lò đứng liên tục vào. Đây là việc làm có chủ ý bởi PV Báo Lao Động có chứng cứ là người ký công văn phân biệt được lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò gạch kiểu đứng liên tục.

Cụ thể, ngày 15.7.2016 Bộ Xây dựng có CV số 1452/XD-GĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố “về việc tăng cường công tác quản lý đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc”. Trong CV 1452 Bộ Xây dựng yêu cầu rõ, UBND các tỉnh phải “chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục… trước năm 2018”.

Ngay sau khi nhận được CV của Bộ Xây dựng, ngày 26.7.2016 UBND tỉnh Hải Dương có CV số 1798/UBND-VP nêu rõ: “Sau khi nghiên cứu nội dung văn bản trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở XD chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổng kiểm tra việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng…”.

Để làm rõ việc cấm gộp cả lò gạch kiểu lò đứng liên tục với lò thủ công, PV Báo Lao Động đã liên lạc với ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch này đã từ chối làm việc với PV với lý do bận.

Tuy nhiên qua trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Cương cũng bộc lộ quan điểm giữa lò gạch thủ công và lò gạch kiểu lò đứng liên tục “hoàn toàn không có gì khác biệt cả” (?!).

Lò gạch kiểu lò đứng liên tục gây ô nhiễm?

Khi PV đặt tiếp câu hỏi: “Lò gạch kiểu lò đứng liên tục đã được các nhà khoa học chứng minh là không gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn ít than, tại sao lại cấm như lò gạch thủ công?”. Phó Chủ tịch Nguyễn Anh Cương cho biết: “Vua bảo vua hay, vãi bảo vãi đúng thì nó khó. Cái này đã có lộ trình cấm cả rồi chứ không phải không cấm. Có nghĩa là nó ô nhiễm. Rõ ràng rồi!”.

Trái ngược lại ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương về việc “gây ô nhiễm” của lò gạch kiểu đứng liên tục, nhiều chủ lò, DN sản xuất gạch liên tục kiểu đứng khẳng định với PV Báo Lao Động, việc họ đầu tư hàng chục tỉ đồng cho sản xuất gạch lò đứng liên tục là theo sự khuyến khích, kêu gọi của UBND tỉnh Hải Dương do hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo các chủ lò gạch liên tục kiểu đứng, hàng loạt các văn bản, QĐ của UBND tỉnh Hải Dương từ trước đó đều công nhận lò gạch liên tục kiểu đứng là tiến bộ KHKT, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Nhiều chủ lò gạch liên tục kiểu đứng nêu nguyện vọng: “Chúng tôi chấp hành lộ trình chấm dứt sản xuất gạch nung của Chính phủ. Chính phủ cho phép chúng tôi hoạt động đến năm 2018 thì không có cớ gì chính quyền tỉnh lại bắt chúng tôi dừng hoạt động ngay. Pháp luật phải được áp dụng công bằng trên toàn quốc. Chỉ 2 năm nữa cũng giúp chúng tôi thu hồi vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư cho lĩnh vực sản xuất khác”. “Bên cạnh đó còn là hàng nghìn công việc làm của người lao động, rất mong chính quyền lắng nghe dân”, một chủ lò gạch nói.

ĐỖ VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dieu-tra-theo-thu-ban-doc/can-nhac-truoc-sinh-ke-cua-nguoi-dan-605216.bld