Cần một cơ chế hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống…

Vừa qua, đường dây nóng của Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do các trại nuôi heo tại thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) gây ra đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã đến tận nơi để ghi nhận tình trạng này, đồng thời lắng nghe những nguyện vọng của những hộ dân chăn nuôi tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Lệ Sơn 2 Đặng Nghi cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi heo như phản ảnh của người dân là đúng sự thật. Tuy nhiên, chính quyền thôn đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh để người nuôi nâng cao ý thức chấp hành vệ sinh môi trường. Theo ông Nghi, hiện tại thôn Lệ Sơn 2 có 6 trại nuôi heo tập trung với số lượng khoảng 4.500 con, gồm: trại của ông Lê Văn Tiền, Lê Văn Nịch, Lê Văn Nạc, bà Lê Thị Tịch, Ngô Thị Chúc và trại Bích Sơn. Chủ đầu tư là người Đài Loan đứng ra hợp đồng với các hộ nuôi heo với thỏa thuận, chủ đầu tư cung cấp con giống, thức ăn và thuốc chữa bệnh, phòng bệnh cho heo; các hộ dân tự đầu tư chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, mỗi trang trại thả nuôi heo giống (từ 5-6kg/con) trong vòng 6 tháng sẽ xuất chuồng một đợt với trọng lượng heo phải đạt 1 tạ/con. Một năm các hộ xuất chuồng 2 đợt, chủ đầu tư tính tổng trọng lượng heo xuất chuồng để trả tiền cho bà con, trung bình 1kg được trả 1.400 đồng, nếu heo bị chết hay sụt ký thì bên nuôi phải chịu toàn bộ thiệt hại…

Trại heo của ông Lê Văn Tiền xây dựng từ năm 2002 hiện đã xuống cấp.

Tại trại heo của ông Lê Văn Tiền, chúng tôi ghi nhận cả khu nhà trại khoảng hơn 2.000m2 với 10 chuồng heo mỗi chuồng thả nuôi khoảng 30 con heo mỗi con trọng lượng khoảng hơn 50kg/con. Kế bên cạnh ông Tiền là trại heo của bà Lê Thị Tịch có diện tích gần 3.000m2 đang nuôi 350 con heo đồng lứa. Cả hai khu trại này đều xây hầm biogas kiên cố, mỗi trại có 4 mương thoát nước ra bể chứa kín, mỗi chuồng đều trang bị máy bơm, vòi xịt nước để vệ sinh chuồng trại. Ông Tiền cho biết, quanh năm suốt tháng bận rộn ngoài trại heo, mỗi lứa heo xuất chuồng, trừ toàn bộ chi phí, heo chết, heo sụt ký và công nuôi, gia đình ông thu bình quân 1 năm được trên dưới 40 triệu đồng.

Qua thực tế có thể thấy rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi heo tại thôn Lệ Sơn 2 mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngoài 6 trại nuôi heo tập trung theo hình thức CP đã được cải thiện một phần về ô nhiễm môi trường, nhưng phải thấy rằng hầu hết các trại này đã bị xuống cấp. Cụ thể như trại của ông Lê Văn Tiền và bà Lê Thị Tịch, mặc dù vẫn đang sử dụng được nhưng xây dựng từ năm 2002 đến nay đã hơn 15 năm, hệ thống nước thải vệ sinh lâu ngày đã bị xuống cấp cần cải tạo. Bên cạnh đó hiện vẫn đang tồn tại hai trại nuôi tập trung chưa có hệ thống xử lý bể nước thải mà đưa thẳng ra ao chứa, từ đó chảy ra mương, ao hồ dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ và mùi hôi không được giải quyết xử lý triệt để…

Ông Tiền bên hầm biogas xây dựng từ năm 2002, chưa có kinh phí cải tạo lại.

Ngoài 6 trại heo tập trung trên, hiện thôn Lệ Sơn 2 có hơn 80 hộ gia đình nuôi heo tự phát trong khu dân cư với khoảng 5.000 con heo. Với diện tích đất đai khiêm tốn, ao hồ có hạn, trong khi lượng phân và nước thải và mùi hôi của đàn heo hàng ngàn con hàng ngày xả ra môi trường mỗi ngày đã gây ô nhiễm môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây. Về vấn đề này, ông Đặng Nghi cho biết, mặc dù chính quyền địa phương cố gắng tạo điều kiện công ăn việc làm để các hộ nuôi heo cải thiện kinh tế nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn tồn tại và chính quyền đang tìm biện pháp để chấn chỉnh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều hộ nuôi heo tự phát tại thôn Lệ Sơn rất mong chờ được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Nhiều hộ cá nhân cho biết, trước đây tự vay tiền xây chuồng trại, mua giống nuôi heo cải thiện cuộc sống, họ vẫn biết việc nuôi heo gây ô nhiễm là sai phạm nhưng do kinh phí có hạn, không có tiền để cải tạo lại chuồng trại, xây hầm biogas. Bà con đề nghị chính quyền, các cấp, các ngành xem xét hỗ trợ cho họ được vay một khoản kinh phí để xây mới hoặc cải chuồng trại, xây hầm biogas, cải tạo con giống, thức ăn mới nhằm giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình.

Hiền Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_164525_ca-n-mo-t-co-che-ho-tro-nguo-i-dan-ca-i-thie-n-cuo.aspx