Cần một chiến lược quản trị tài nguyên bền vững

ThienNhien.Net – Cuộc chiến kinh tế dường như đang đẩy “cơn khát tài nguyên” lên đỉnh điểm và đưa các quốc gia vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh tài nguyên. Nếu không có một chiến lược quản trị bền vững và hợp lý, các quốc gia giàu tài nguyên sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy “lời nguyên tài nguyên”. Ấn phẩm “Quản trị tài nguyên thiên nhiên: Lựa chọn chiến lược và chính sách cho tương lai – Tư duy trong bối cảnh cạnh tranh phát triển và khan hiếm tài nguyên toàn cầu” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) xuất bản sẽ chỉ ra những xu hướng quản lý, sử dụng tài nguyên và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Rất nhiều nhà kinh tế học từng tin rằng, tài nguyên thiên nhiên có thể giúp các nước đang phát triển thoát khỏi đói nghèo, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Dường như càng “lạm vốn” của thiên nhiên, con người càng thất bại. Lý giải hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân chính là do các quốc gia giàu tài nguyên còn thiếu chuyên môn trong việc đàm phán hợp đồng khai thác, nguồn thu từ tài nguyên thiếu ổn định, hao hụt nguồn vốn, thiếu đầu tư hiệu quả vào giáo dục, tham nhũng, cộng thêm sức ép tại chính vùng khai thác... Theo đó, giải pháp được đề xuất là các chính phủ nên thực thi các giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích công thu được từ tài nguyên thiên nhiên, trong đó ưu tiên việc xác định điều kiện thỏa thuận khai thác, hoàn thiện hệ thống chính sách đấu thầu tài nguyên, minh bạch kết quả các thỏa thuận, áp dụng hình thức ký quỹ phòng ngừa việc hủy hoại môi trường, giữ ổn định mức chi tiêu công, tính toán chính xác lượng dự trữ tài nguyên, sử dụng nguồn thu để đầu tưu, có các chính sách giảm thiểu bất bình đẳng, tăng cường mối quan hệ chính quyền-nhân dân… Một trong những giải pháp quan trọng khác cũng đang được áp dụng tại nhiều quốc gia hiện nay, đó là sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI). Đây là sáng kiến được cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lần đầu tiên đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Nam Phi năm 2002. Cốt lõi của EITI là nguồn thu từ khai thác dầu mỏ và khoáng sản phải được công khai, minh bạch theo một cơ chế rõ ràng. Trong đó, các công ty cần công bố các khoản họ trả cho phía chính phủ từ các hợp đồng, thỏa thuận khai thác. Phía chính phủ cũng công khai các khoản họ thu được từ phía các công ty. Hai nguồn số liệu này được kiểm tra, đối chiếu bởi một cơ quan độc lập và sau đó được thông tin rộng rãi cho công chúng. Áp dụng EITI, các quốc gia không chỉ nhận được lợi ích từ việc quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà bản thân các chính phủ cũng sẽ nâng cao trình độ quản trị cũng như uy tín quốc tế. Hiện đã có 32 nước đăng ký thực hiện EITI, trải dài từ châu Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ - La tinh, Trung Đông đến các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Một số quốc gia mặc dù chưa đăng ký với tư cách ứng viên nhưng đã công bố cam kết thực hiện EITI. Tài sản của mỗi quốc gia được hình thành từ ba nguồn vốn chính: vốn sản xuất, vốn thiên nhiên (tài nguyên và các giá trị từ tài nguyên) và vốn vô hình (nhân lực, tri thức, công nghệ). Ở các nước có thu nhập thấp, vốn thiên nhiên chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị tài sản quốc gia, nhưng vốn vô hình lại đạt tỉ lệ thấp. Theo tính toán, vốn thiên nhiên chiếm khoảng 27% tổng giá trị tài sản quốc gia của Việt Nam. Khoáng sản là một trong những phần quan trọng của nguồn vốn thiên nhiên, do đó, Việt Nam cần cân nhắc áp dụng các chuẩn mực EITI để vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo nguồn lực tài nguyên cho công cuộc phát triển bền vững. Bạn đọc có thể xem chi tiết về ấn phẩm tại đây. Hồng Ngọc

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/news/140/ARTICLE/12575/2010-10-16.html