Cần minh bạch thông tin để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp

Kết quả cuộc khảo sát nước mắm toàn quốc do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tiến hành trên 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu cho thấy 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 tiêu chuẩn (trên tổng số 5 tiêu chuẩn trong nhóm hóa học) không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt, thông tin 101/150 mẫu thử, chiếm 67,33%, có chứa hàm lượng arsen (thạch tín) tổng vượt ngưỡng so với quy định của Bộ Y tế, 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định… đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang. Nhưng sự thật có đáng lo ngại?

Nước mắm là thực phẩm được sử dung phổ biến trong bữa ăn của người Việt.

Dư luận hoang mang

Trong buổi công bố, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) khẳng định, “nước mắm vẫn an toàn” vì 20 mẫu nước mắm có hàm lượng arsen tổng được gửi đi phân tích đều cho kết quả “không phát hiện arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L)”.

Khi phóng viên muốn ông “minh bạch” các nhãn hiệu được khảo sát có sai phạm thì không nhận được câu trả lời cụ thể. “88 thương hiệu nước mắm, có tất cả các thương hiệu trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng. Mục đích của khảo sát lần này của chúng tôi là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm!” - ông Tuấn nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thông tin trên mập mờ, vì không đưa ra nước mắm nhiễm arsen hữu cơ hay vô cơ.

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, arsen tồn tại ở 2 dạng. Một là arsen vô cơ, tức là arsen ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử chưa kết hợp với chất nào khác (tức arsen nguyên chất). Arsen vô cơ thì rất độc hại.

Loại thứ 2 là arsen đã tham gia quá trình phản ứng hóa học và tạo thành arsen có hóa trị. Khi nó kết hợp với một chất nào đó tạo thành một hợp chất ở trạng thái hữu cơ. Loại arsen hữu cơ này không độc. Trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến arsen vô cơ, tức chỉ những gì độc hại.

Việc VINASTAS đã xác định 20 mẫu nước mắm không có arsen vô cơ trong số mẫu có arsen tổng hợp, thì có thể khẳng định các sản phẩm nước mắm này an toàn. Tuy nhiên, việc công bố của Hội này là chung chung, mập mờ, gây ra hoang mang dư luận, bởi người dân chỉ biết đó là arsen mà không biết đó là arsen vô cơ hay hữu cơ. PGS Thịnh cũng cho rằng: “Công bố được đưa ra quá vội vàng, không định nghĩa rõ ràng arsen hữu cơ hay vô cơ, phương pháp xét nghiệm từ đó cũng sẽ khác nhau. Về mặt nghiên cứu khoa học, như vậy là sai nguyên tắc. Một công bố lập lờ như vậy, chắc chắn sẽ làm người tiêu dùng hoang mang, có thể vô tình hay hữu ý làm hại các doanh nghiệp”.

Việc công bố chất lượng nước mắm không rõ khiến dư luận hoang mang. Ảnh: T.L

Còn theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc công bố thông tin nước mắm nhiễm arsen này không rõ ràng. Cụ thể, thông tin đưa ra không cho biết đây là kết quả của phòng thí nghiệm nào, có đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định hay không; Thông tin đưa ra chẳng có ý kiến của chuyên gia ATTP nào cả, đồng thời chưa làm rõ arsen hữu cơ có độc hai với sức khỏe hay không. “Đây là công bố khiến dư luận rất hoang mang. Nếu phân tích có trách nhiệm, phải đưa ra ra mức độ arsen như vậy không nguy hiểm, người dân có thể ăn nước mắm, chứ không thể mập mờ như vậy”, PGS Trần Hồng Côn nói.

Chưa rõ nhiễm arsen vô cơ hay hữu cơ

Cũng theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nước mắm được chế biến bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối. Thực tế, trong nước biển luôn có arsen hữu cơ. Cá biển và muối vì thế cũng bị nhiễm arsen hữu cơ một cách tự nhiên, nhưng không độc hại.

Ngoài ra, với việc tuyên bố 95,65% nước mắm có độ đạm cao có chứa nhiều arsen, nhưng không nói rõ là arsen hữu cơ hay vô cơ, thì có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất nước mắm chứa nhiều đạm. Trong khi hiện nay, việc sản xuất nước mắm nhiều đạm đang được khuyến khích. PGS Thịnh cũng cho rằng, Hội cũng không đưa ra cảnh báo mức độ an toàn cho sản phẩm, mà để người tiêu dùng tự phân tích, tìm hiểu nên càng hoang mang.

“Tôi có thể chắc chắn, người dân, doanh nghiệp không chủ động bổ sung arsen vào nước mắm làm gì, vì như thế là đầu độc người tiêu dùng, trong khi arsen không có ý nghĩa gì về việc cải thiện chất lượng hay số lượng sản phẩm. Mắm nhiễm arsen, chắc chắn là do nguyên nhân khách quan” - PGS Thịnh khẳng định. Theo ông, không thể xét nghiệm arsen chung chung rồi kết luận vội vã được.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh kết quả khảo sát nước mắm trên và giải quyết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

*Chiều 18.10, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký VINASTAS khẳng định: “Chúng tôi chưa công bố bất kỳ thông tin gì về danh sách tên các loại nước mắm vượt hàm lượng thạch tín cho phép. Việc họ lấy ở đâu và đưa ra thì chúng tôi không chịu trách nhiệm!”. Trong lúc sự việc khiến dư luận bức xúc, ông Tuấn cho biết: “Việc công bố là trách nhiệm của Hội. Khi nào có quyết định của Hội là đủ điều kiện chúng tôi sẽ thông báo công khai. Hiện tại chúng tôi tại vẫn chưa có kế hoạch công bố”.

* Ông Trương Quang Hiến - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết: “Việc đưa thông tin của VINASTAS có thể ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng. Giờ đưa tin đồn thất thiệt chỉ khổ những doanh nghiệp chân chính thôi”.

L.HƯƠNG - K.LINH

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/can-minh-bach-thong-tin-de-dam-bao-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-va-doanh-nghiep-602471.bld