Cần làm rõ việc xi măng kém chất lượng ở Tiền Giang, Long An

NDĐT - Nhiều hộ dân ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành Long An bức xúc việc mua xi măng kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, gây hoang mang trong dư luận hơn hai tuần qua.

Ngày 21-5, nhận được thông tin về đường bị hư hại không bao lâu sau khi thi công do xi măng kém chất lượng ở hộ của anh Phùng Ngọc Tiến (ngụ ấp Bình An, xã Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo), chúng tôi đến ngay hiện trường. Tại đây, anh Tiến cho biết, sau cơn mưa ngày 20-5, đường đan ngang 1,2 m dài 100 m, dày 0,05m (ở ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, Châu Thành, Long An giáp ranh với Tiền Giang) của gia đình đã xảy ra một số hiện tượng: Mặt đan có một số nơi rạn nứt, bong tróc, cát bời rời sau khi thi công gần 2 tuần và nghi ngờ tình trạng này là do xi măng kém chất lượng gây ra. Sau khi xảy ra hiện tượng này, anh đã khiếu nại với cửa hàng vật liệu xây dựng mà anh đã mua. Và trong ngày 21-5, đại diện phía Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2, ông Võ Thành Công (Thương vụ phụ trách 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre) và ông Nguyễn Văn Có, chủ cửa hàng bán xi măng đã đến làm việc với anh Tiến. Tại buổi làm việc này, ông Công xác nhận số xi măng (qua bao xi măng) mà anh Tiến sử dụng tráng đường đi trên là của Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2, trong đó, lô xi măng anh Tiến khiếu nại không kết dính với đá là HN056 và HN060. Trong buổi làm việc này, chủ cửa hàng và nhà phân phối đồng ý hỗ trợ một số bao xi măng để tráng lại những phần đường hư hỏng. Anh Tiến cho rằng, xi măng kém chất lượng vì thế cần phải đều bù toàn bộ số xi măng mà anh đã làm đoạn đường trên… Tháng 2-2010, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ vườn thanh long ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đến đại lý vật liệu xây dựng Tám Sơn ở xã Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) mua 28 bao xi măng poóclăng hỗn hợp PCB 40 của công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 2 (Kiên Lương, Kiên Giang) về đổ cột bê tông cốt thép cải tạo vườn. Đến ngày mang trụ ra trồng ngoài vườn, ông Hưng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ 180 cây cột bê tông đều bị nứt nẻ. Lấy tay bóp thử thân cột, ông Hưng tá hỏa khi thấy phần bê tông nát rời, cát một đường, đá một nẻo, xi măng một nơi, chẳng thứ nào kết dính với nhau, đành đập bỏ toàn bộ 180 trụ bê tông, chỉ lấy lại được phần cốt sắt. “Tính hết công cán chi phí, tui mất trắng gần 7 triệu đồng”, ông Hưng nói. Ông Hưng là nhà vườn đầu tiên ở Đăng Hưng Phước gặp nạn xi măng dỏm. Sau ông Hưng, đến lượt ông Trần Ngọc Tươi ngụ cùng ấp mua hai đợt 56 bao xi măng Hà Tiên 2 về đổ trụ trồng thanh long cũng phải đập bỏ toàn bộ vì xi măng, cát, đá chẳng kết dính. Ông Tươi kể, mua đợt đầu 28 bao xi măng về đổ cột đều bị bể nát không sử dụng được, gia đình ông tức mình mua thêm 28 bao về đổ cột tiếp vẫn bị bể nát, đành đem hơn 300 cây cột bê tông đập ra tận thu lõi sắt, số xà bần xi măng, cát đá bời rời đem lót đường đi. Kế tiếp là ông Trần Văn Ngộ, mua 15 bao xi măng Hà Tiên 2 về đổ đan bê tông lót đường đi, chỉ trong một thời gian rất ngắn đường bê tông nát vụn. Ở ấp Cầu Ván xã An Lục Long (Châu Thành, Long An), bà Nguyễn Kim Lan mua 40 bao xi măng Hà Tiên 2 PCB 40 giá 66.500 đồng/bao của đại lý Sáu Có ngụ cùng ấp về đổ đường giao thông. Nhưng chỉ sau một cơn mưa đầu mùa đường bê tông nát vụn nhiều đoạn. Nạn nhân mới nhất của xi măng “dỏm” là bà Nguyễn Thị Chúc ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước. Hôm giữa tháng 5-2010 bà Chúc đến đại lý vật liệu xây dựng Tám Sơn ở xã Long Trì mua 3 bao xi măng poóclăng hỗn hợp PCB 40 nhãn hiệu FICO của công ty cổ phần xi măng FICO Tây Ninh (TAFICO), ghi ngày sản xuất là 12-5-2010, mang về đổ sáu cây cột bê tông cốt thép xây chuồng bò. Ngày 24-5-2010 gia đình bà Chúc mang cây cột bê tông cốt thép đầu tiên ra trồng xuống đất, vừa quay lưng vô sân định khiêng tiếp 5 cây còn lại ra trồng thì nghe phía chuồng bò “làm cái ầm”. Cả nhà chạy ra xem thì tá hỏa khi thấy cây cột bê tông cốt thép mới dựng lên đã bị quẹo ngang, cát, đá, xi măng văng tứ tung, lòi cốt thép. Bà Chúc vội chạy vào xem lại 5 cây cột bê tông còn nằm trong sân thì hỡi ôi, chỉ cần lấy tay bóp mạnh vào thân cột là xi măng, cát, đá rời ra như cám. “Sau khi nhiều người mua nhầm xi măng Hà Tiên 2 dỏm, gia đình tui chẳng dám sử dụng nhãn hiệu này nên chọn mua xi măng FICO của Tây Ninh vì thấy họ ghi trên bao bì là xi măng sản xuất theo công nghệ của Đức nên yên tâm. Tui còn cẩn thận chọn mua xi măng mới ra lò cho chắc ăn, vậy mà cuối cùng cũng gặp nạn xi măng dỏm”, bà Chúc than thở. Theo ông Nguyễn Văn Trầm, Bí thư chi bộ ấp Hưng Ngãi, từ đầu năm 2010 đến nay khu vực giáp ranh giữa hai xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) và An Lục Long (huyện Châu Thành, Long An) có rất nhiều người lâm nạn xi măng dỏm. Hầu hết đều mua xi măng Hà Tiên 2 của Kiên Giang và FICO Tây Ninh ở hai đại lý vật liệu xây dựng Tám Sơn ở xã Long Trì và Sáu Có ở An Lục Long. Sau khi phát hiện mua nhầm xi măng dỏm, những nạn nhân đều thông báo cho hai đại lý vật liệu xây dựng biết sự tình, nhưng họ nói: đại lý chỉ mua đi bán lại không có trách nhiệm, chất lượng hàng hóa là trách nhiệm của nhà sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, sau khi gia đình ông khiếu nại khắp nơi, phía công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 2 đã ba lần đến xem xét sự việc, hứa bồi thường thiệt hại 50% (14 bao xi măng) nhưng đến nay không thấy bao nào. Còn bà Nguyễn Thị Chúc nói, sau khi phát hiện xi măng dỏm, gia đình bà đã khiếu nại đại lý thì nơi này nói cứ đi kiện công ty, đại lý không có trách nhiệm giải quyết. Trong khi đó bà Nguyễn Kim Lan cho biết sau khi gia đình bà khiếu nại việc xi măng dỏm, phía đại lý chẳng giải quyết mà còn viện lý do là khách hàng sử dụng nước mặn để trộn hồ nên mới ra cớ sự như vậy và thách thức: muốn đi thưa ở đâu thì thưa. Theo ông Võ Văn Mẫn, cán bộ xã Đăng Hưng Phước, việc thiệt hại của người tiêu dùng là quá rõ ràng, xi măng có đầy đủ bao bì nhãn mác ghi tên nhà sản xuất nên họ phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng cho khách hàng, không thể tránh né. “Các công ty sản xuất xi măng dỏm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tiêu dùng. Rất may là người dân mua phải xi măng dỏm về đổ cột bê tông, làm đường đi nên thiệt hại chưa đến mức nghiêm trọng. Nếu họ mua xi măng này về xây nhà, đổ sàn thì hậu quả không thể lường được”, ông Mẫn bức xúc nói. Việc người dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An) mua nhầm xi măng kém chất lượng đã quá rõ ràng. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, có cách xử lý đến nơi đến chốn để người dân an tâm. Bởi người nông dân nơi đây gần hai tháng qua ta thán việc “tiền mất, tật mang” nhưng không ai đứng ra bảo vệ người tiêu dùng. PV TẤN VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175390&sub=127&top=39