Cần làm rõ trách nhiệm quản lý trong các 'đại án' ngân hàng

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hàng loạt 'đại án' xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ cũng như giám sát từ xa của các ngân hàng gần như tê liệt.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Hệ thống giám sát ở đâu?

Vừa qua, lĩnh vực ngân hàng (NH) liên tiếp xảy ra nhiều “đại án” gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, như vụ ông Trầm Bê cùng hàng loạt cán bộ ngân hàng bị khởi tố, bắt giữ mới đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Sau đổi mới, đặc biệt là trong vòng hơn một chục năm trở lại đây, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) được ồ ạt thành lập, chuyển đổi mô hình, tăng vốn... Có thể nói, sự bùng nổ về số lượng, quy mô của hệ thống ngân hàng đã thu hút một nguồn lực lớn của cải xã hội, đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực cho ngành này chưa theo kịp nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, nhất là đội ngũ nhân sự cốt cán, dẫn tới chất lượng hoạt động NH không đảm bảo. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lơi lỏng, tất yếu dẫn đến sai phạm. Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở mọi loại hình, quy mô (bất kể NHTM Nhà nước hay cổ phần, NH lớn hay nhỏ, NH có quá trình hoạt động lâu đời hay còn non trẻ...) cho thấy khoảng trống lớn cả về hành lang pháp lý lẫn chất lượng bộ máy trong lĩnh vực này.

Khoảng trống nguy hiểm nhất là gì, thưa ông?

Các NHTM Việt Nam cho vay phần lớn dựa trên tài sản đảm bảo, tức là thế chấp chứ không phải tín chấp. Chưa nói chất lượng thẩm định tài sản thế chấp cũng có nhiều vấn đề. Việc quản lý dòng tiền vay mượn khá lỏng lẻo, thậm chí, NH xem như duyệt hồ sơ, giải ngân xong là xong nhiệm vụ. Vì thế, vốn vay đi đâu, được dùng vào việc gì, có “đẻ” ra tiền để trả nợ không, NH gần như không nắm được.

Đó là chưa kể, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH diễn ra rất phổ biến. Trong trường hợp đó, việc cho vay doanh nghiệp “sân trước, sân sau” càng dễ dãi, là nguyên nhân quan trọng dẫn tới nợ xấu, rất xấu và không thể đòi được.

Với sản phẩm đặc thù là tiền - được huy động, đóng góp bởi doanh nghiệp, người dân, kinh doanh NH phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị, an toàn. Đồng thời, phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Quan sát từ thực tiễn, ông thấy công tác kiểm soát nội bộ cũng như kiểm soát từ xa ra sao?

"Tôi cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch của hệ thống NH, bởi liên quan đến tài sản toàn dân. Lâu nay, nhiều thông tin trong lĩnh vực này bị né tránh vì được cho là “nhạy cảm”, nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Song, một số NH dễ vin vào đó để che giấu yếu kém, sai phạm, nên khi bị phát hiện thì hậu quả đã khá nặng nề, khó khắc phục. Tới lúc hệ thống NH phải được “khám bệnh”, xem “ông” nào hắt hơi, sổ mũi, “ông” nào đã đến giai đoạn ung thư, từ đó mới có “phác đồ điều trị” thích hợp”.

Chuyên gia tài chính
Bùi Kiến Thành

Ngoài chức năng, quyền hạn được pháp luật cho phép, để có thể huy động cả trăm nghìn tỷ đồng từ người dân, NH phải đặc biệt chú trọng chữ tín. Muốn vậy, bản thân mỗi NH phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quy trình quản trị rủi ro, bảo đảm an toàn vốn rất chặt chẽ để đồng tiền người dân tin tưởng, gửi gắm được sử dụng hiệu quả. Song nhìn từ “đại án” tại NH Xây dựng cho thấy, người đứng đầu NH này là Phạm Công Danh có thể chỉ đạo thuộc cấp rút ruột NH cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng rất dễ dàng. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ của NH hoàn toàn tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu.

Song, không chỉ nội bộ dễ dàng thỏa hiệp, bao che, sự dễ dãi, cẩu thả cũng xảy ra với cả những “phi vụ” hợp tác bên ngoài, mà việc Trầm Bê dùng tiền của Sacombank cho Phạm Công Danh vay cả nghìn tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

Qua những vụ việc đó cũng cho thấy, hệ thống phòng ngừa, giám sát từ xa, mà cụ thể là của NHNN cũng gần như tê liệt. Rất nhiều vụ án lớn nhỏ gần như chưa có trường hợp nào được phát hiện sớm từ cơ quan quản lý này, mà phần lớn là từ cơ quan Công an, khi sai phạm đã khá rõ và để lại những hậu quả rất nặng nề.

Quản lý lỏng lẻo, trình độ nghiệp vụ không đáp ứng được công việc, là một trong những lý do dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng - Ảnh: Minh Tuấn

Chọn sai người, mọi chuẩn mực là vô nghĩa

Cũng liên quan đến ông Trầm Bê, dư luận không khỏi băn khoăn, tại sao ông này cùng nhóm cổ đông có thể dễ dàng thâu tóm Sacombank, để lại nhiều hệ lụy cho NH này mà điển hình là khoản nợ xấu lên tới 43.000 tỷ đồng?

Hoạt động thâu tóm, sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank diễn ra trong cả một quá trình, song đáng tiếc là cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN gần như không xuất hiện, lên tiếng kịp thời và đến nay họ cũng vẫn “kiệm lời” như vậy! Dù cơ quan điều tra đã và đang vào cuộc, song tôi cho rằng, NHNN cũng cần phải làm rõ nhiều câu hỏi: Ai là người tạo điều kiện cho ông Trầm Bê và nhóm cổ đông thâu tóm Sacombank? Nguồn tiền đó ở đâu ra, tiền “sạch” hay “bẩn”? Quy trình mua bán đó có đảm bảo tính pháp lý? Ai là người xem xét, phê duyệt lãnh đạo NH này? Như tôi được biết, trong quá trình mua, bán đó đã có nhiều thông tin, phản ánh đến cơ quan quản lý các cấp. Vậy các cơ quan này đã kiểm tra, xác minh các thông tin phản ánh đó chưa, làm đến đâu... Tất cả những điều này cần được làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể. Ai sai, sai đến đâu phải xử lý đến đó.

Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự, theo ông chúng ta cần làm gì?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành được biết đến là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ, từng làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm (năm 1956 -1958) khi mới 24 tuổi. Trải qua quá trình làm việc cho nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, ông về Việt Nam và tư vấn cho một số chương trình phát triển kinh tế, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trước hết, phải rà soát, ngăn chặn ngay những nguy cơ tạo thêm nợ xấu, khó đòi, gây khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động cho vay doanh nghiệp sở hữu chéo. Cùng đó, phải đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, nhất là trong điều kiện Nghị quyết về vấn đề này vừa được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, phải rà soát lại hoạt động giám sát, từ khuôn khổ pháp lý lẫn thực tiễn áp dụng. Phương châm “giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ” của hệ thống NH có tiêu chuẩn nào đã không còn phù hợp? Phù hợp rồi mà vẫn để xảy ra hết vụ việc này tới vụ việc kia, thì cán bộ được phân công nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm tới đâu, xử lý thế nào? Nhưng tôi cho rằng, vượt trên những vấn đề trên, cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người. Khi người quản lý, chịu trách nhiệm đã không đảm bảo năng lực, trách nhiệm, thậm chí cố ý làm sai thì mọi quy định, chuẩn mực, lá chắn... cũng là vô nghĩa. Do vậy, chuẩn mực nhân sự vẫn là yếu tố cốt lõi nhất.

Quy định không cho NH phá sản có khiến người đứng đầu NH dễ có tâm lý được bảo hộ, dẫn tới lơi lỏng trách nhiệm. Nhất là trong trường hợp sở hữu chéo, họ thậm chí có thể “hy sinh” NH để bảo vệ DN của chính họ?

Vấn đề này cũng cần được xem xét lại, cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn. Việc không cho NH phá sản là nhằm bảo vệ lợi ích người gửi tiền. Song, mặt khác cũng có thể dẫn tới tâm lý ỷ lại như trên.

Mặt khác, theo tôi, người gửi tiền cũng cần phải có trách nhiệm với tài sản của mình, bằng việc “chọn mặt gửi tiết kiệm”. Bằng cách đó, bản thân mỗi NH cũng sẽ phải nâng cao trách nhiệm sử dụng đồng vốn người dân đã gửi gắm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/can-lam-ro-trach-nhiem-quan-ly-trong-cac-dai-an-ngan-hang-d219991.html