Cần lắm cách hành xử văn hóa

Thống kê phản ánh chưa đầy đủ từ các cơ quan thông tấn, báo chí, chỉ trong tháng 7, trên cả nước đã xảy ra gần chục vụ việc đáng tiếc liên quan tới văn hóa ứng xử, thái độ tôn trọng luật pháp, gây xôn xao trong dư luận. Đúng sai trong từng vụ việc thế nào, cơ quan chức năng sẽ làm rõ và đưa ra hình thức xử lý cụ thể, xác đáng. Dù mỗi vụ việc có tính chất, mức độ khác nhau, nhưng với tần suất xảy ra nêu trên, không khỏi không suy nghĩ, lo ngại về cách ứng xử, hành xử thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết luật pháp...

Xin nêu lại một số vụ việc để bạn đọc dễ hình dung: Ngày 7-7, bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cùng bạn đi ăn trưa, sau khi đỗ xe ô tô, có xảy ra tranh luận với người dân. Hình ảnh ghi lại từ camera sau đó được đưa lên mạng xã hội và được một số báo khai thác rầm rộ, theo hướng tích cực có mà để “câu view” cũng nhiều. Cũng trong ngày 7-7, tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hai thanh niên tới nộp đơn xin việc tại một hộ sản xuất. Do chỉ có bé gái 7 tuổi ở nhà, nên hai người này nhờ cháu đưa đến chỗ bố đang làm việc.

Người dân nghi "bắt cóc trẻ em" nên giữ lại, giao lực lượng chức năng. Ngày 14-7, khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng phương tiện đang chở mình vì vi phạm quy định về tốc độ, một người đàn ông lớn tuổi, sau này được xác định là Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã có lời lẽ ứng xử không đúng mực. Ngày 19-7, tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, xảy ra vụ việc đáng tiếc do giao tiếp, thực thi công vụ giữa cán bộ phường với người dân liên quan tới việc tiến hành thủ tục khai tử. Ngày 20-7, tại huyện Thanh Hà, Hải Dương, hai người đàn ông đi ô tô tới một cửa hàng hỏi mua đồ gỗ, đang hỏi chuyện, chủ cửa hàng chóng mặt, mỏi mệt, nên tri hô là bị "thôi miên". Người dân kéo đến giữ, đòi đánh rồi đốt xe ô tô.

Ngày 22-7, tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, hai phụ nữ đi bán tăm, do người dân nghi... bắt cóc trẻ em, nên bị hành hung. Ngày 27-7, 4 học sinh lớp 6 ở Nam Định không xin phép bố mẹ, tự thuê taxi đi Thái Bình chơi. Phụ huynh một học sinh lo lắng đi tìm, đến xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình thì chặn được taxi. Nghe tiếng kêu trong xe, người dân địa phương nghĩ đây là vụ "bắt cóc trẻ em" nên giữ tất cả người liên quan giao cơ quan chức năng…

Tạm chia các vụ việc trên vào thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là ứng xử nơi công cộng. Nhóm thứ hai là ứng xử của cán bộ, công chức. Nhưng dù ở nhóm nào cũng đều phải tìm ra nguyên nhân, giải pháp để hạn chế, ngăn chặn những cách hành xử không đúng mực, gây ảnh hưởng tới xã hội.

Trên thực tế, chuyện hiểu nhầm, nghi ngờ không có gì mới. Tuy nhiên, với những vụ việc liên tục xảy ra liên quan tới tin đồn, nghi ngờ vừa nêu thì rõ ràng rất đáng suy nghĩ. Tin đồn thời nào cũng có và luôn gây sự hoang mang, ngờ vực. Với sự phát triển vũ bão của mạng xã hội, tin đồn thất thiệt xuất hiện ngày càng nhiều, với những chuyện “bịa như thật” kèm hình ảnh “giả như thật” khiến nhiều người không khỏi ngờ vực, lo âu. Trong tình cảnh dễ bị tổn thương, nên khi chỉ nghe thông tin, dù chưa kiểm chứng, không ít người đã có những hành động ứng xử thiếu kiềm chế, để rồi rước họa vào thân.

Chắc hẳn, những đối tượng đốt xe ô tô ở Thanh Hà, Hải Dương; hành hung hai phụ nữ bán tăm ở Mai Đình, Sóc Sơn… sẽ bị xử lý thích đáng khi công an xác định rõ người, rõ tội. Tâm lý đám đông khiến không ít người trở nên mù quáng. Hậu quả của việc thỏa mãn “cơn nóng” nhất thời thường khôn lường mà vụ việc đánh đập gây thương tích nặng cho 2 đối tượng trộm chó ở Đồng Nai ngày 28-7 để rồi hàng chục người có thể phơi nhiễm HIV là điển hình.

Khi không hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, không nên hành động tùy tiện, bột phát. Việc xác minh đúng, sai, xử lý vụ việc là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Cũng là nghi ngờ, nhưng rõ ràng cách xử sự vụ việc của người dân ở Yên Phong, Bắc Ninh; Kiến Xương, Thái Bình khác hoàn toàn với sự manh động, thiếu hiểu biết pháp luật của người dân Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) hay Thanh Hà (Hải Dương).

Để nâng cao văn hóa ứng xử, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, dường như, độ ngấm của các văn bản này vẫn còn hạn chế, ngay cả với cán bộ, công chức. Chẳng thế mới dẫn tới những vụ việc hành xử đáng tiếc (ở đây chưa nói tới đúng sai) của một bộ phận cán bộ đương nhiệm hoặc đã về hưu thời gian qua. Các cụ xưa đã dạy: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Với cán bộ, công chức (những người tạm cho là có trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật cao hơn nhiều người dân thường), rõ ràng, càng phải hiểu và có cách ứng xử phù hợp, không chỉ ở công sở mà cả ở nơi công cộng để làm gương. Đáng tiếc, ở không ít nơi, cán bộ, công chức tự cho mình có “đặc quyền, đặc lợi”, đứng trên người dân, từ đó có cách ứng xử chưa phù hợp, thậm chí thiếu văn hóa. Trong “thế giới phẳng” hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật cầm tay thông minh, mạng xã hội, những kiểu cách hành xử, ứng xử đó càng khó che đậy, giấu giếm. Đây chính là mặt tích cực của mạng xã hội, khi là kênh giám sát hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức.

Cái gì cũng có hai mặt. Mạng xã hội cũng vậy. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp nghiêm trị việc tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt để đủ sức răn đe những đối tượng xử dụng mạng xã hội vào mục đích không đúng đắn, thậm chí là mục đích xấu thời gian qua. Trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, giữ gìn lời nói, tác phong làm việc đúng mực, tuân thủ nghiêm túc quy định theo tinh thần “thượng tôn pháp luật” để người dân làm theo.

Cũng không phải vô cớ, ngày 25-1-2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và tới ngày 10-3-2017 mới ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Khi đã có văn hóa, cách hành xử chuẩn mực, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên, chắc chắn, tin đồn trên mạng xã hội sẽ không có “đất sống”.

“...Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/874428/can-lam-cach-hanh-xu-van-hoa