Cần kiểm soát chặt hơn nữa chất thải nguy hại nhập khẩu

Hàng trăm tấn ắc quy chì, nhôm, đồng phế liệu, các loại thiết bị điện tử đã qua sử dụng… đã bị lực lượng Hải quan bắt giữ trên các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không từ năm 2010 đến nay.

Đồng phế liệu do lực lượng Hải quan bắt giữ.(Ảnh do Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung cung cấp) .

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên nhu cầu NK máy móc, công nghệ, nguyên liệu sản xuất rất lớn, nhất là NK các loại phế liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên trong số đó có nhiều loại phế liệu NK không đảm bảo quy chuẩn về môi trường, chưa được làm sạch, còn lẫn nhiều loại tạp chất hoặc các loại hàng hóa được “núp” dưới danh nghĩa là máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu, cũ nát, tiêu hao năng lượng, không còn khả năng hoạt động hoặc bị các nước công nghiệp thải hồi. Bên cạnh đó, các loại chất thải nguy hại cũng được đưa vào lãnh thổ Việt Nam như: Ắc quy chì, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng…

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), qua công tác đấu tranh của lực lượng kiểm soát Hải quan, hoạt động vận chuyển trái phép các loại chất thải nguy hại có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước được tổ chức chặt chẽ, khá tinh vi. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường lợi dụng quy trình thủ tục hải quan, chính sách quản lý hàng hóa và lựa chọn các địa bàn có lưu lượng hàng hóa lớn.

Song song với công tác kiểm soát, lực lượng Hải quan cũng tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống các đơn vị chuyên trách. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thu thập thông tin theo yêu cầu phân tích rủi ro phục vụ phân luồng, kiểm tra hải quan; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi, thông tin tình báo hải quan.

Thống kê sơ bộ từ Cục Điều tra chống buôn lậu, kể từ năm 2010 trở lại đây, lực lượng Hải quan đã phối hợp xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến NK hàng cấm. Phần lớn hàng hóa vi phạm là phế liệu, các linh, phụ kiện điện tử, thiết bị y tế, ắc quy chì đã qua sử dụng. Phần lớn hàng vi phạm được đóng trong container vận chuyển từ nước ngoài về các khu vực cảng Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, để lật tẩy sai phạm của các DN, ngoài thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan sử dụng hệ thống máy soi kiểm tra thực tế hàng hóa. Không chỉ phát sinh ở cửa khẩu, trong một số vụ việc, lực lượng Hải quan đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường bắt giữ khi hàng hóa vi phạm đã đi vào sâu trong nội địa.

Điển hình như ở Hải quan Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KVII làm thủ tục cho lô hàng gồm 4 container của Công ty thương mại XNK Đức Phúc theo loại hình TNTX, hàng hóa khai báo là "84 tấn cao su nguyên liệu mới 100%". Qua kiểm tra bằng máy soi đã phát hiện hàng hóa trong 4 container là 142,8 tấn ắc quy chì (gồm cả 4 vỏ container). Đội Thủ tục hàng hóa XNK đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Đức Phúc về hành vi NK hàng hóa trong Danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KVI và Phòng Quản lý rủi ro qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu gồm 8 container của Công ty TNHH GOLDENMILE đã phát hiện 490 chiếc ắc quy chì đã qua sử dụng được xếp lẫn với sắt thép phế liệu các loại.

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), do lợi nhuận cao từ việc buôn bán phế thải, chất thải nguy hại nên đã hình thành các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về lĩnh vực môi trường. Mặt khác, trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và thiết bị máy móc cũ rất lớn. Hiện tại, hoạt động XNK được điều chỉnh bởi nhiều văn bản: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Hàng hải… nhưng chưa có sự gắn kết về quy định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia hoạt động XNK. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động XNK như: Hải quan, Công Thương, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường chưa chặt chẽ, chưa có quy chế phối hợp, chưa có cơ chế trao đổi thông tin trong công tác chuyên môn nghiệp vụ…

Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực XNK, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là văn bản về quản lý, xử lý vi phạm, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn về môi trường đối với một số mặt hàng XNK. Các lực lượng: Hải quan, Biên phòng cần tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp hành động trong điều tra, xác minh, xử lý vi phạm; cần coi trong biện pháp tình báo trong thu thập thông tin có liên quan nhằm cảnh báo, dự báo và áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ xa, đấu tranh có tính khả thi và hiệu quả.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-kiem-soat-chat-hon-nua-chat-thai-nguy-hai-nhap-khau.aspx