Cần khu xử lí chất thải tập trung cho vùng nuôi bò sữa?

Chăn nuôi bò sữa là ngành có triển vọng và liên tục phát triển nóng trong những năm gần đây. Hiện nước ta đã hình thành rất nhiều vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm...

Chăn nuôi bò sữa là ngành có triển vọng và liên tục phát triển nóng trong những năm gần đây. Hiện nước ta đã hình thành rất nhiều vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm với quy mô hàng chục nghìn con như: Ba Vì (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La), Củ Chi (TP.HCM), Nghĩa Đàn (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Ngành chăn nuôi bò sữa rất cần những khu xử lí chất thải tập trung

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại không thể phủ nhận, việc xử lí môi trường, chất thải tại các vùng chăn nuôi bò sữa quy mô lớn đang là vấn đề cần xác định ngay trong hôm nay, nếu không chúng ta sẽ trở tay không kịp.

Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tính đến hết năm 2015, tổng đàn bò sữa của Việt Nam đạt trên 275.000 con với 19.000 hộ nuôi. Mục tiêu, định hướng của ngành chăn nuôi là đến hết năm 2016 tổng đàn bò sữa sẽ đạt 300.000 con và 2020 khoảng 400.000 con.

Theo khảo sát, hiện chăn nuôi bò sữa phân thành hai mô hình. Một là các hộ dân chăn nuôi bò sữa ký kết hợp đồng bán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa, hai là các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung do các nhà máy sữa trực tiếp quản lí, vận hành.

Trong các loài vật nuôi chủ lực hiện nay, bò sữa có khối lượng chất thải thải ra hàng ngày nhiều nhất. Bình quân, mỗi ngày 1 con bò sữa thải ra môi trường hàng chục kg chất thải rắn và lỏng (1 con lợn thải ra 1,5 - 2kg chất thải/ngày). Chính bởi khối lượng lớn nên việc xử lí chất thải với những trang trại bò sữa có quy mô vài chục con là bài toán không đơn giản chút nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Tuấn Hiệp, hộ dân nuôi 120 con bò sữa tại Tiểu khu 26/7, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, Sơn La chia sẻ, việc xử lí chất thải trong chăn nuôi bò sữa trước đây và bây giờ luôn được gia đình ông đặc biệt chú trọng.

Hiện gia đình ông Hiệp đang xử lý chất thải của đàn bò sữa bằng cách phân loại, ủ men vi sinh và hầm biogas. Theo đó, chất thải rắn được thu gom phun chế phẩm sinh học, ủ từ 3 - 6 tháng làm phân bón, còn chất thải lỏng được đưa vào hầm biogas.

Tuy nhiên, việc xử lí chất thải theo hình thức thủ công này đòi hỏi diện tích đất để ủ phân và xây hầm biogas rất lớn, không phải vùng chăn nuôi bò sữa nào cũng áp dụng được.

Ngay như gia đình ông Hiệp, hiện phải sử dụng hệ thống thiết bị rửa chuồng bằng máy bơm nén khí để giảm tối đa lượng nước sử dụng, bởi nếu rửa chuồng bằng máy bơm thông thường hệ thống bể biogas 12m3 gia đình đang có không thể chứa hết chất thải lỏng mà đàn bò 120 con tống ra mỗi ngày.

Không chỉ các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, ngay cả các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô lớn của một số nhà máy sữa hiện nay đa phần đều xử lí chất thải theo phương pháp bán thủ công là thu gom, phân loại và xử lí. Do đó, ít nhiều vẫn có ảnh hưởng nhất định đến môi trường xung quanh.

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lớn bắt đầu áp dụng công nghệ máy ép, tách phân để tiến hành xử lí chất thải tại các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, giúp giảm sinh khối và rút ngắn thời gian xử lí chất thải.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống máy ép, tách phân và xử lí nước thải hiện đại này lên tới hàng chục tỷ đồng, rất khó để các hộ nông dân đủ tiềm lực tài chính đầu tư.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-khu-xu-li-chat-thai-tap-trung-cho-vung-nuoi-bo-sua-post181588.html