Cần khẳng định: Nhân dân làm nên Hiến pháp

Có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế tài phán đối với các hành vi vi hiến.

Ngày 19-1, Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992.

Lời nói đầu cần ngắn gọn, súc tích

Góp ý về lời nói đầu, PGS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật, cho rằng dự thảo viết còn dài, chưa làm nổi bật được mục đích, chủ thể, nhiệm vụ của HP. “HP các nước trên thế giới có nước không có lời nói đầu, nếu có thì thường rất ngắn. Đề nghị viết lại, khẳng định ý cơ bản là nhân dân làm nên bản HP này” - ông Nghị đề xuất.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, các nội dung thể hiện trong lời nói đầu chưa được cơ cấu hợp lý. “So với lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm thì phần ghi công trạng giai đoạn sau này không nên dài quá” - ông Thuận nói.

Một buổi góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức bởi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

PGS Thái Vĩnh Thắng, ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng lời nói đầu bản HP trình bày như dự thảo là chưa đạt yêu cầu. Cần diễn đạt lại, làm rõ ai làm nên bản HP này: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, làm nên bản HP này…”, hoặc “bằng bản HP này, nhân dân Việt Nam xác lập các nguyên tắc cơ bản…”.

Điều 4 quy định sự lãnh đạo của Đảng, dự thảo có một bổ sung đáng chú ý: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. PGS Phạm Hữu Nghị đề nghị bổ sung thêm vào điều này các phương thức lãnh đạo của Đảng để qua đó người dân có thể giám sát được. Còn ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, đề nghị cần ghi rõ yêu cầu Đảng lãnh đạo trên cơ sở pháp luật, để sau này xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng. Ông Phạm Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội, đồng tình: “Có luật cụ thể về Đảng thì từng tổ chức đảng, đảng viên mới thực sự nâng cao trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước nhân dân và lúc ấy người dân mới có cơ sở để giám sát trở lại”.

Cần có cơ chế bảo vệ

Các thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Chẳng hạn, Điều 120 về Hội đồng HP chỉ quy định kiểm tra tính hợp hiến của văn bản pháp luật. Vậy với hành vi vi hiến thì sao? Có cơ chế nào để tài phán với hành vi được cho là vi hiến? Các quyền như tự do đi lại, có chỗ ở hợp pháp, được bảo vệ chăm sóc sức khỏe (Chương II) nên coi là quyền con người hay quyền công dân? Vẫn quy định chính quyền địa phương ba cấp tỉnh, huyện, xã hay chỉ nên quy định chung là cấp tỉnh và dưới tỉnh để mở khả năng cải cách mô hình chính quyền địa phương sau này?

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau hội nghị của Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, các hội đồng tư vấn khác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế, khoa học - giáo dục cũng sẽ tham gia góp ý dự thảo HP sửa đổi. Trên cơ sở đó, MTTQ sẽ tổng hợp thành ý kiến chính thức gửi Ủy ban Dự thảo HP.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130121015254899p0c1013/can-khang-dinh-nhan-dan-lam-nen-hien-phap.htm