Cần khắc phục 'lỗ hổng' trong kiểm soát công nghệ

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay.

Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội sáng nay (7/11), ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ KH&CN, các Bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn nhà nước.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Cần tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam và khắc phục “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ (như trường hợp Formosa, Bauxit Tây Nguyên, nhà máy nhiệt điện, xăng sinh học, ...).

Về việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, nền kinh tế Việt Nam với sự tham gia của gần 70% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy phát triển KH&CN trong lĩnh vực này, nhất là việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch,…

Tuy nhiên, theo ông Dũng, quy định về nội dung này trong Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) còn thiếu và chưa cụ thể. Bên cạnh đó, các quy định về hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Chương II cũng khó khả thi đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng lớn

Đánh giá về nguy cơ về an ninh mạng và nhu cầu về kiểm soát an ninh mạng, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, vấn đề này đặt ra cho người dùng và các chủ thể quản lý một trách nhiệm nặng nề.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân

Ông Nhân cho hay, các ứng dụng công nghệ như dịch vụ thuê nhà hay chia sẻ phòng nghỉ tại Airbnb, taxi Uber, đặt vé máy bay, đấu giá hàng hóa qua mạng… có thể tiềm ẩn một số rủi ro. Đặc biệt là đồng tiền ảo onecoin, bitcoin đang gây ra nhiều dư luận và hoài nghi trên các thị trường tài chính thế giới.

Đại biểu đoàn Bình Dương lưu ý: Các trang mạng xã hội đang tìm kiếm các phần mềm nhắn tin điện thoại miễn phí qua internet mà tất cả chúng ta vẫn nghĩ đây là sản phẩm của những nhà cung cấp tốt bụng mà không biết rằng mỗi thành viên khi tham gia đã vô hình trở thành một tình nguyện viên góp phần thông tin và nhu cầu thị hiếu khách hàng thông qua các thuật toán theo dõi hành vi người dùng, nhằm thu hoạch kết quả thống kê để cung cấp cho bên thứ ba.

Theo ông Nhân, vấn đề nguy hiểm ở đây chính là không kiểm soát được các hoạt động của nó mà ngược lại chính chúng ta đang bị theo dõi toàn diện mà không hề hay biết. Kết nối internet càng nhiều thì nguy cơ mất an toàn, bị tấn công mạng càng lớn. Nguy hiểm không chỉ rình rập ở mỗi cá nhân mà hiểm họa này còn tác động và nguy cơ lây lan trong toàn bộ hệ thống. Đặc biệt là nguy cơ tấn công các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia khi Chính phủ điện tử kết nối liên thông một cách toàn diện.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định, những thiết bị và ứng dụng kết nối thông minh qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay đã vượt tầm kiểm soát và khả năng quản lý của Nhà nước. “Không có quốc gia nào có thể đứng ngoài những cuộc tấn công mạng, mỗi ngày đang tăng lên cả về số lượng, mức độ tinh vi và cấp độ thiệt hại. Vì vậy Chính phủ cần phải có cách nhìn toàn diện mang tính hệ thống với những thách thức này để có những đối sách cho phù hợp,” ông Nhân nêu ý kiến./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/cong-nghe/can-khac-phuc-lo-hong-trong-kiem-soat-cong-nghe-567084.vov