Cần hợp lý hơn

Phân làn, cắm biển báo giao thông là cách làm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, tại không ít tuyến phố, việc phân làn và cắm biển giao thông thiếu hợp lý đã vô tình làm khó người tham gia giao thông, dẫn đến những bức xúc của người dân.

Bày tỏ bức xúc với cách phân làn thiếu chỉ dẫn tại các nút giao lớn như ngã tư BigC, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Kim Liên, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã... anh Đỗ Hoàng Nam (CT27, Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) cho biết, hầu hết những điểm giao cắt lớn này đều không có biển chỉ dẫn làn nào đi thẳng, làn nào được rẽ. Trong giờ cao điểm, lái xe không thể biết được mình có đi đúng làn đường được rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng. “Nhiều nơi vào giờ cao điểm có cảm giác xe máy không còn chỗ đi. Một tuyến đường có 4 đến 5 dãy xe ô tô nên buộc người đi xe máy phải lách vì không còn đường dành riêng cho xe máy nữa” - anh Đỗ Hoàng Nam lý giải.

Phân làn chưa thực sự hợp lý trên đường đê Nguyễn Khoái khiến các phương tiện muốn đi thẳng phải xếp hàng dài nối đuôi nhau di chuyển trên làn xe máy, xe thô sơ.

Thậm chí, theo phản ánh của nhân dân ở nhiều tuyến phố, việc gắn biển chỉ dẫn, biển phân làn như kiểu làm cho xong. Theo quan sát của PV, các con đường lớn là cửa ngõ vào Thủ đô như quốc lộ 5, đường Võ Chí Công (hướng đi từ sân bay vào) thì thực hiện phân làn đường thiếu hợp lý. Cụ thể, đường 5 cũ (đoạn qua địa phận Hà Nội) có lòng đường rất rộng, có thể phân chia ra làm 4 - 5 làn đường, tuy nhiên khi thực hiện, Sở GTVT lại chỉ phân cho phép xe con đi một làn bên trái, còn lại là cho xe tải và xe máy. Điều này dễn đến tình trạng vào các buổi chiều, do xe tải không được vào trung tâm nên làn bên xe tải thường ít xe. Cũng tầm đó, lượng xe con đi từ Hải Dương, Hưng Yên, các khu công nghiệp về Hà Nội lại đông, nhưng phải xếp hàng dài!

Tương tự là đường Võ Chí Công có đến 5 - 6 làn xe, nhưng cũng chỉ cho 2 làn cho xe con, 1 làn xe buýt và 2 làn cho xe máy. Tuy nhiên, vì là hướng đi từ sân bay nên xe máy không nhiều, xe buýt cũng rất ít, trong khi xe con rất nhiều. Chính vì vậy, các buổi chiều, xe con xếp hàng dài ở 2 làn bên trái còn làn xe buýt chỉ có 1-2 chiếc, làn xe máy thì rộng mênh mông (!?).

Trao đổi với PV, nhiều người tham gia giao thông đề xuất, thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội cần tiếp tục có nghiên cứu để điều chỉnh sao cho việc phân làn giao thông ở Thủ đô trở nên hợp lý hơn trước.

Bên cạnh đó, hầu hết các con đường lớn của Thủ đô như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Xã Đàn, Láng, Kim Mã... vẫn tồn tại vạch kẻ đường không rõ mục đích phân làn là gì. Nghĩa là thay vì phân chia được thành 3 - 4 làn xe mỗi chiều, Sở GTVT Hà Nội lại chỉ cho kẻ một vạch nét đứt giữa đường, điều này dẫn đến tình trạng nếu 2 xe chạy song song trên một làn thì phạm luật, còn chạy đơn lẻ thì dẫn đến lãng phí phần đường còn lại!

Về vấn này, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho ngành Giao thông trong việc phân làn. “Với đặc thù đường đô thị, chúng ta không nên sử dụng các dải phân làn cứng, ngoài ra do những hạn chế về mặt hạ tầng, các giải pháp phân làn phải được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của từng loại hình phương tiện, từng loại hình tuyến phố” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Việc phân làn, phân luồng phương tiện là một trong các giải pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức và kỷ cương của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Chính vì vậy một con đường không được phân chia làn một cách chính xác và khoa học cùng với những tín hiệu chỉ dẫn thiếu rõ ràng có thể góp phần gây ra sự lộn xộn trong lưu thông. Trao đổi với PV, nhiều người tham gia giao thông đề xuất, thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội cần tiếp tục có nghiên cứu để điều chỉnh sao cho việc phân làn giao thông ở Thủ đô trở nên hợp lý hơn trước.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-hop-ly-hon-43019.html