Cần hiểu đúng về ý nghĩa của Lễ khai ấn Đền Trần

Những ngày gần đây, câu chuyện về sự thật của Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) được rất nhiều người quan tâm và thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn. Vậy, ý nghĩa thực của Lễ khai ấn Đền Trần là gì?

Những ngày gần đây, câu chuyện về sự thật của Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) được rất nhiều người quan tâm và thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn. Vậy, ý nghĩa thực của Lễ khai ấn Đền Trần là gì?

Từ chuyện Khai ấn của một làng ở Tức Mặc Nam Định sau đó nhanh chóng trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: TL

Bắt đầu ngày làm việc của năm mới sau kỳ nghỉ Tết

Theo tục truyền, năm 1258, đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông nhà vua cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền và phong tước cho người có công. Từ đó các vua nối nghiệp về sau, hàng năm làm theo thành lệ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước cho các triều thần.

Lễ khai ấn đền Trần vốn là một tập tục từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Trước đây, ấn khắc chữ “Trần triều tri bảo” sau được vua Minh Mạng đổi thành “Trần triều điển cố” thêm chữ “tích phúc vô cương” – với ý nghĩa ban phúc lành cho dân chúng. Qua bao thế kỷ, ngọc ấn không còn, tuy nhiên lễ khai ấn vẫn được duy trì. Ấn hay còn gọi là triện, là đại diện quyền lực của nhà Vua (hay còn gọi là Vương ấn) nhìn thấy ấn như thấy Vua. Vốn dĩ ấn được dùng để truyền đạt ý chỉ nào đó của bậc quân vương. Các vị vua lần lượt truyền lại ấn từ đời này sang đời khác.

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL, Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.

Ngoài ra, theo hồi cố của các bô lão, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ tết, từ rằm tháng Giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường.

Ngày nay, khai ấn đền Trần trở thành niềm mong mỏi, đón chờ của hàng vạn người từ Bắc chí Nam “rầm rộ” đổ xô về Nam Định tham dự Lễ khai ấn (vào 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng), với mong muốn cầu tài, xin bổng, mong muốn một năm làm ăn thuận lợi, giàu sang phú quý.

“Khai ấn là để báo cho mọi người biết là giờ nghỉ của quan chức, chính quyền; thời gian nghỉ Tết kết thúc và bắt đầu vào thời gian làm việc. Bây giờ, người ta hiểu khai ấn theo một cách khác”. Nhà Sử học Lê Văn Lan đính chính về ý nghĩa của lễ Khai ấn.

Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. “Khai ấn” là mở đầu ngày làm việc của một năm mới, theo nghi thức cổ khai ấn không có tục xin ấn.

"Phong trào" đi lễ đầu năm

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay ở đền Trần có hai loại dấu cùng đóng từ một “ấn”. Ấn được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho “thường dân”. Ấn được đóng trên tấm lụa đỏ là dành cho quan chức.

Người dân ở khắp các tỉnh thành chen chúc xin "ấn thiêng". Ảnh: TL

Những năm gần đây, được sự quân tâm của chính quyền lễ hội truyền thống được khôi phục, trong đó có lễ khai ấn đền Trần. Song, lễ khai ấn đền Trần tuy được khôi phục lại nhưng đã mang màu sắc và mục đích khác là xin dấu ấn thiêng. Lý do nào đã khiến cho đền Trần những ngày đầu năm luôn "chật cứng”, bởi hàng vạn người từ tứ xứ đổ về?

Tâm lí đám đông là một trong những nguyên nhân chính “kích thích” lượng người đến với đền Trần đông hơn cả.

Với tâm lý mong muốn cầu tài, cầu lộc đầu năm nhiều người đã tự “gán” ý nghĩa này cho ấn đền Trần, họ thản nhiên “mặc định” dấu ấn xin về nhất định sẽ mang tới của cải, giàu sang. Không tìm hiểu, thậm chí không hề biết về lịch sử và ý nghĩa của ấn, nhiều người có mặt tại đây vì thích thú hoặc đi theo cho có "phong trào".

Mỗi năm nhà đền chỉ phát ra số dấu bằng nửa lượng người đến xin thôi. Dù sao nhận được tấm lụa đỏ là tôi may lắm rồi, còn hơn khối người xin ấn đóng trên giấy nhiều”, ông Thành Minh đến từ Hà Nội chia sẻ.

Hay như ngày thần tài, mặc sức cho giá vàng tăng người dân khắp nơi “lũ lượt” xếp hàng từ sáng sớm mua vàng cầu may.

Sở dĩ có tình trạng trên do tâm lý hùa theo đám đông và thích “chơi trội” đã bám sâu trong góc nghĩ của nhiều người, gây ra hiệu ứng tiêu cực cho xã hội. Hệ quả của việc không đi theo cổ tục cộng thêm với những nhìn nhận lệch chuẩn đã khiến khách thập phương nô nức đua chen, thậm chí dẫm đạp lên nhau để “tranh cướp” dấu ấn.

Số lượng người tham gia Lễ Khai ấn đáng chú ý nhất là năm 2010 BTC dự kiến có khoảng 10 vạn người, nhưng con số thực tế tăng lên 2 lần, tức 20 vạn người tham gia. Đồng thời, Công an tỉnh Nam Định đã phải huy động tới 2.000 cán bộ chiến sĩ, dựng lên 5 hàng rào để đảm bảo an ninh.

Mặc dù đã cố gắng tới mức tối đa, nhưng không tránh khỏi thảm cảnh biển người xô đổ hàng rào,,hàng chục người bị ngất phải cấp cứu, người khóc, kẻ kêu vì bị móc ví, mất điện thoại hoặc thảm hại hơn là mắc kẹt trong đám hỗn loạn.

Người dân đi lễ ở Đền Trần, Ảnh: Nam Huy

Trước và sau lễ hội, một loạt bài viết hướng dẫn “để dấu ấn như thế nào cho thiêng, mẹo treo ấn sẽ ban nhiều phước, hay ấn nào thiêng nhất…” được đăng tải hàng loạt trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tâm lý đám đông, truyền thông cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt công chúng, cung cấp thông tin chính xác nhất tới người dân. Không để tình trạng “câu” like, view đánh mất thương hiệu và uy tín của tòa soạn.

Theo Hà Anh/nguoilambao.vn

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/chuyen-doc-duong/can-hieu-dung-ve-y-nghia-cua-le-khai-an-den-tran