Cần hệ thống thông tin và dự báo hiệu quả về lao động

(Chinhphu.vn) - Để giải bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao, nước ta cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực một cách thống nhất, đầy đủ.

Báo cáo về xu hướng lao động và xã hội do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) thực hiện, được công bố ngày 23/6 tại Hà Nội dự kiến lực lượng lao động của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5%/năm (tương đương với khoảng 738.000 lao động/năm) trong giai đoạn 2010 - 2015. Chất lượng lao động vẫn thấp Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam kể từ năm 2000 đã song hành cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu lao động. Số người làm việc trong nông nghiệp giảm từ 65,3% xuống 52,2% trong giai đoạn từ 2002 đến 2007, do người lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy vậy, nhìn chung, năng suất lao động vẫn khá thấp, chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và khoảng 1/10 năng suất của Singapore. Theo PGS.TS Đàm Đức Vượng - Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp so với tỷ lệ áp đảo của nhân lực phổ thông tại Việt Nam. Chúng ta hiện có 180 trường đại học và 232 trường cao đẳng, khoảng gần 1 triệu đơn vị đào tạo nghề, gần 1.200 tổ chức khoa học và công nghệ với gần 53 nghìn cán bộ khoa học và công nghệ. Đó là những cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong đào tạo nhân lực. Theo thống kê, có đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều người làm việc không đúng ngành được học. Một số đơn vị nhận người vào làm phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng cho rằng sự bùng nổ về số lượng các cơ sở giáo dục đại học đã không góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Do thiếu một quy hoạch tổng thể cùng những dự báo chính xác về yêu cầu nguồn nhân lực, nên các trường ĐH, CĐ mới thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 63,3% số các trường ĐH, và 34,5% các trường CĐ trong cả nước). Thêm vào đó, cơ cấu trình độ đào tạo vẫn còn mất cân đối (quy mô đào tạo bậc ĐH chiếm 72,3%, cao đẳng chiếm 27,7%), cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Cần một cơ quan chuyên môn về thông tin lao động Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập thế giới, đòi hỏi một lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Đặc biệt, việc tiến vào các lĩnh vực hiện đại như năng lượng hạt nhân, công nghệ thông tin… càng đòi hỏi nhân lực đạt đến trình độ quốc tế. Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng việc đào tạo nhân lực, coi đó là chiến lược phát triển của đất nước. Nhiều chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động, phát huy tối đa vai trò của nguồn nhân lực trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Chính phủ yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Trước hết, cần gắn các trường lớp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế... Cụ thể hóa các định hướng về đào tạo nhân lực của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo khung chiến lược việc làm giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu chính là cải thiện kết nối cung cầu nhằm tăng khả năng có việc làm bền vững và giảm thất nghiệp, thiếu việc làm… Bài toán về nguồn nhân lực, việc làm hiện nay là bài toán khó và cũng không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, để giúp cho công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả, nước ta cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai một cách thống nhất, đầy đủ. Nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần thành lập một cơ quan quốc gia có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng trong việc thu thập và xử lý, phổ biến các thông tin về thị trường lao động và dự báo về nguồn nhân lực... Vũ Trọng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/can-he-thong-thong-tin-va-du-bao-hieu-qua-ve-lao-dong/20106/32901.vgp