Cần gỡ nút thắt hạ tầng để phát huy tiềm năng con tôm

Tại ĐBSCL, tiềm năng diện tích có thể đạt tới 1 triệu ha. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm như thủy lợi, điện lưới, giao thông... lại không theo kịp, trở thành nút thắt...

Những năm qua, diện tích cũng nhưng sản lượng tôm nuôi liên tục tăng và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi tôm nuôi nước lợ được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong nông nghiệp.

Tại ĐBSCL, tiềm năng diện tích có thể đạt tới 1 triệu ha. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm như thủy lợi, điện lưới, giao thông... lại không theo kịp, trở thành nút thắt cần sớm được đầu tư tháo gỡ để nghề nuôi tôm phát triển.

Cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng đều, đang trở thành nút thắt cần sớm được đầu tư tháo gỡ để nghề nuôi tôm phát triển

Để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, Kiên Giang đã quy hoạch vùng nuôi khá bài bản: gồm khu nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), nuôi quảng canh cải tiến và tôm - lúa ven biển Hòn Đất - Kiên Lương và các huyện vùng U Minh Thượng. Ngoài hệ thống đê bao dọc theo bờ biển, các cống và kênh dẫn nước mặn từ biển vào vùng nuôi, còn có nhiều ô thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) như Vàm Răng - Ba Hòn, An Biên - An Minh...

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc triển khai rất chậm, nhiều dự án hầu như không có tiến triển trong thời gian dài... Chính nút thắt hạ tầng này đang là rào cản khiến con tôm ở Kiên Giang phát triển chậm và chưa xứng với tiềm năng lợi thế.

Trong các cuộc họp tìm giải pháp phát triển nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, các doanh nghiệp như: BIM - Hạ Long, Minh Phú, Thông Thuận, Trung Sơn, Vương Quốc Việt... đều kêu khó khăn, vướng mắc về hạ tầng.

Ông Phạm Ngọc May, Phó Tổng Giám đốc Cty Thông Thuận, đơn vị đầu tư nuôi tôm công nghiệp tại Kiên Giang, cho biết, hạ tầng kết nối vào vùng nuôi tôm ở TGLX rất yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu phát triển.

“Trong khi hạ tầng nội bộ các đơn vị đã đầu tư khá bài bản, khi kết nối với bên ngoài lại gặp khó. Đường giao thông đã được nâng cấp cho xe 13 tấn lưu thông nhưng vẫn còn nhiều cây cầu tải trọng chỉ 2,5 tấn. Vì vậy, doanh nghiệp không thể vận chuyển vật tư, thức ăn cũng như vận chuyển tôm thương phẩm bằng đường bộ.

Trong khi đó, hệ thống kênh mương nhỏ và cạn, chưa đảm bảo lưu thông nước phục vụ cho nuôi trồng cũng như vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Vấn đề này đã được các đơn vị kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết”, ông May nêu khó khăn.

Về hệ thống kênh cấp nước từ biển vào, không chỉ nhỏ, cạn mà dọc đường đi có rất nhiều hộ dân cũng đầu tư nuôi tôm công nghiệp nhưng lại không được đầu tư bài bản do thiếu vốn. Lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp là người dân thường rất tùy tiện trong việc lấy và xả nước. Khi tôm nuôi bị dịch bệnh, họ không xử lý triệt để mà xả thẳng ra môi trường, rất dễ gây lây lan dịch bệnh.

Về vấn đề này, đại diện Cty Minh Phú đã từng đề xuất phương án đầu tư hệ thống ống lấy nước từ biển vào phục vụ nuôi tôm, các doanh nghiệp sẽ sử dụng chung và trả phí thủy lợi. Cty sẽ bỏ vốn đầu tư trước, nhà nước sẽ hoàn trả lại sau khi có điều kiện.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thực hiện quyết định về quy hoạch, phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của UBND tỉnh, Sở đã có chương trình, hành động cụ thể từ nay đến năm 2020 với 10 dự án, đề tài khoa học cụ thể.

Trong đó, về hạ tầng trước mắt sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn và tiếp tục triển khai dự án hạ tầng NTTS Bình Trị (vùng TGLX).

Vùng U Minh Thượng sớm hoàn thành dự án hạ tầng nuôi tôm công nghiệp Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận); 5/6 cống đang triển khai trên tuyến đê biển An Biên - An Minh và khởi công mới 9 cống còn lại (từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới - WB9).

Cà Mau đang phấn đấu trở thành vựa tôm của cả nước. Xét về điều kiện tự nhiên, tỉnh này đang có lợi thế rất lớn để thực hiện. Tuy nhiên, để phát triển nuôi tôm vấn đề thủy lợi rất quan trọng, mang tính quyết định. Nhưng từ thực tế, hiện trạng hệ thống thủy lợi của Cà Mau không đáp ứng được nhu cầu nuôi tôm của người dân địa phương.

Theo quy hoạch chuyển đổi sản xuất của Cà Mau, hệ thống thủy lợi của tỉnh được phân thành 23 tiểu vùng. Vừa phục vụ cho NTTS, vừa phục vụ cho sản xuất hệ sinh thái ngọt. Tuy nhiên, từ đó đến nay nguồn vốn triển khai đầu tư khá hạn chế. Hiện tại, chỉ triển khai đầu tư 7 tiểu vùng.

Trong đó, đầu tư cơ bản hoàn thành, khép kín được 1 tiểu vùng nhưng cũng chưa thật hoàn chỉnh, do hệ thống kênh thủy lợi nội đồng bên trong vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cấp, thoát nước riêng biệt. Kế hoạch đầu tư trung hạn đến 2020, chỉ hoàn thành được thêm 2 tiểu vùng đã đầu tư trước đó và đầu tư thêm 1 tiểu vùng mới nhưng nguồn vốn vẫn là khó khăn lớn nhất.

Theo phân tích của người đứng đầu ngành nông nghiệp Cà Mau, hiện trạng cùng một hệ thống kênh rạch, cấp và thoát nước chung đang rất phổ biến tại địa phương.

Theo đó, biện pháp quy hoạch thủy lợi khả quan nhất là cách tính quy hoạch theo không gian và thời gian.

Theo không gian, địa phương sẽ tính toán nơi nào có hiện trạng thủy lợi phù hợp cấp thoát riêng được thì đầu tư theo hướng này. Không gian không đảm bảo, thì phải tính toán theo thời gian. Khi đó, phải tổ chức lại sản xuất sao cho đồng loạt, khi nào cấp nước, khi nào thoát nước. Như vậy sẽ giúp hạn chế được tình trạng nước thải của người này là nước cấp của người kia.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Áp dụng các biện pháp công trình và phi công trình

Trước mắt, trong điều kiện quy hoạch còn chưa rõ ràng, nguồn lực đang khó khăn chúng tôi sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp công trình và phi công trình. Về giải pháp công trình, chúng tôi chọn lựa đầu tư theo hướng tập trung cho hạ tầng thủy lợi ở vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Nhằm tạo ra đột phá về năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu thiếu nguồn nguyên liệu chế biến hiện nay.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn hoàn thiện các tiểu vùng đã được đầu tư thời gian vừa qua và phải dành một phần nguồn lực cải tạo các kênh rạch bồi lắng đảm bảo cấp nước cho người dân phát triển sản xuất.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-go-nut-that-ha-tang-de-phat-huy-tiem-nang-con-tom-post188403.html