Cần giám sát chặt các dự án BOT

Bên hành lang của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, PV đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về sự minh bạch của các trạm thu phí BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao), ông Phương cho rằng cần phải kiểm tra giám sát và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Thưa ông vừa qua Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã công bố kết quả kiểm tra 10 ngày tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ qua đó đã có sự chênh lệch giữa báo cáo và thực tế lên tới trên 500 triệu đồng/ngày. Vậy ông đánh giá gì về vấn đề minh bạch tại các trạm thu phí BOT hiện nay?

- Có thể đây là vấn đề mà lâu nay các đại biểu rất nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để làm rõ tính minh bạch của các công trình BOT. Từ thực tế của trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát và đã có con số chênh lệch so với báo cáo. Điều này đã cho thấy thu phí BOT đang có vấn đề mà Chính phủ cần phải điều tra, làm rõ và phải quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.

Vậy theo ông phải quy trách nhiệm cụ thể thế nào?

- Trong vấn đề quy trách nhiệm, thứ nhất là phải làm rõ những đơn vị liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án này là không minh bạch; thứ hai, tôi cho là có điểm gì đó đã tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm lệ phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.

Với vai trò của mình, Quốc hội có thể tham gia giám sát như thế nào thưa ông?

- Sáng nay (26.7) Thường vụ Quốc hội cho biết, một trong những nội dung giám sát được rất nhiều đại biểu đồng tình đó là giám sát vấn đề đầu tư và thu phí BOT hiện nay. Quốc hội sẽ có những ý kiến tại nghị trường phản ánh trên các thông tin đại chúng và buộc các nhà đầu tư BOT phải làm rõ, minh bạch những gian lận của mình. Đồng thời các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ và trả lời cho đại biểu trong vấn đề thực hiện thu phí BOT hiện nay.

BOT là một trong những phương thức để huy động nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp tư nhân và trong thời gian tới sẽ còn phát triển, theo ông, làm thế nào để chúng ta vừa có thể đạt được mục tiêu xã hội hóa lại vừa có thể đảm bảo được lợi ích cho người dân ?

- Phải khẳng định BOT là một chương trình rất tốt cho xã hội hóa, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Trong 5 năm qua hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta có những bước tiến rất vượt bậc. Thể hiện bước tiến của quốc gia trong bước đường phát triển kinh tế làm cho lưu thông phát triển nhanh hơn, tốt hơn, thuận lợi hơn.

Tất nhiên, qua quá trình thực hiện, BOT đã bộc lộ những vấn đề hạn chế. Trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án, các cơ quan chức năng và một số tổ chức, cá nhân thiếu minh bạch, làm chưa rõ, dẫn đến việc làm thất thoát của Nhà nước hoặc đội vốn, kéo dài thời gian thu phí, đem lại lợi nhuận cho nhóm lợi ích và lợi ích của một số cá nhân. Trong thời gian sắp tới, việc phát triển BOT trong đầu tư xây dựng cơ bản và xã hội hóa ở các lĩnh vực khác là rất cần thiết. Tuy nhiên để chống thất thoát trong BOT thì yếu tố rất quan trọng là khâu lập dự án, thẩm định các dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT.

Xin cảm ơn ông

Minh Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-giam-sat-chat-cac-du-an-bot-40370.html