Cần giải quyết trên cơ sở pháp luật

(PL&XH) - Chủ trương xây dựng Khu di tích Yên Tử thành điểm du lịch văn minh, tầm cỡ quốc tế là đúng đắn. Tuy nhiên, Cty Tùng Lâm cần tiến hành thu hồi đúng trình tự pháp luật.

Đề nghị CATP Uông Bí chỉ đạo làm rõ cán bộ CA xuất hiện trong video "lôi kéo" một chủ hộ kinh doanh ra ngoài có phải cán bộ thuộc đơn vị mình và thực hiện “lôi kéo” theo chỉ đạo hay không? Bởi chưa một quyết định cưỡng chế hành chính nào được ban hành…

Hợp đồng 15 năm, kết thúc trong 4 tháng

8 hộ dân đã kinh doanh buôn bán nhiều năm ở Khu di tích Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có giấy phép, hợp đồng kinh doanh hợp pháp. Sau đó, UBND TP Uông Bí giao cho Cty cổ phần phát triển Tùng Lâm (Cty Tùng Lâm) xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực 8 hộ kinh doanh thành nơi ăn uống, nghỉ trọ có quy mô.

Sau khi hoàn thiện phần thô, 8 hộ trên đã ký kết hợp đồng thuê lại các nhà hàng với Cty Tùng Lâm trong thời gian 15 năm, với mức 1.810.000.000 đồng/năm, trong đó 3 năm đầu là 80 triệu đồng/năm, 3 năm tiếp theo 90 triệu đồng/năm, 5 năm tiếp theo 140 triệu đồng/năm, các năm cuối là 150 triệu đồng/năm.

“Sau khi ký hợp đồng, gia đình chúng tôi đã dồn mọi nguồn lực tài chính, đi vay mượn thêm để đầu tư nội thất, trang thiết bị theo thiết kế nhà hàng, vì Cty Tùng Lâm chỉ xây dựng phần thô. Dưới sự đồng ý và giám sát của Cty, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các hạng mục khác để phục vụ du khách. Tháng 11-2011, chúng tôi đã phải nộp tiền thuê nhà cả năm 2012, trong khi 2 tháng sau đó các nhà hàng mới đi vào hoạt động”, một chủ hộ kinh doanh cho hay.

Cũng theo người này: “Sau 4 tháng kinh doanh, ngày 28-5, Cty Tùng Lâm mời tôi và 7 hộ khác lên nói chuyện và đề nghị giao lại nhà hàng để nâng cấp. Liên tục các ngày sau đó, Cty cho người vào các nhà hàng kiểm kê tài sản, gây phiền toái cho việc kinh doanh của chúng tôi”. Ngày 19-6, Cty Tùng Lâm tổ chức họp mặt 8 hộ kinh doanh để thông báo chủ trương thu hồi 8 nhà hàng, định hướng phát triển của Cty sau khi thu hồi mang tính chiến lược cả chục năm.

Phía Cty cũng lên kế hoạch đền bù cho các hộ kinh doanh, mà phía Cty cho là “thỏa đáng”. “Cty có chiến lược phát triển riêng, vậy còn “chiến lược” của chúng tôi đến 15 năm theo hợp đồng, sao Cty không tính đến, hay đây là “con bài lừa” để chúng tôi góp vốn vào khi Cty khó khăn, giờ “phủi tay”? Cty cho rằng đã đền bù thỏa đáng nhưng đó chỉ đền bù tiền chúng tôi đầu tư cơ sở hạ tầng, còn cơ hội kinh doanh của hơn 14 năm kinh doanh còn lại thì Cty có tính đến không?”, một hộ kinh doanh bị thu hồi nhà hàng bức xúc.

Sau khi người dân khiếu nại, ngày 14-8, UBND TP Uông Bí đã có báo cáo số 240/BC-UBND gửi UBND tỉnh Quảng Ninh với nội dung: Trong quá trình kinh doanh ở Hội xuân Yên Tử, một số nhà hàng chấp hành tốt quy định của Ban tổ chức, nhưng cũng xuất hiện nhiều hành vi ứng xử gây bức xúc cho du khách như đón khách thiếu văn minh lịch sự, không đúng nơi quy định, chèo kéo, ép khách, dùng xe máy đuổi theo đón khách, v.v… Trung tâm quản lý di tích Yên Tử đã cùng Cty Tùng Lâm tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, nhưng sau đó vẫn có hộ tái phạm, ảnh hưởng đến ANTT khu di tích.

Sau Hội xuân, Cty Tùng Lâm đã họp hội đồng quản trị và có chủ trương thu hồi lại 8 nhà hàng để “sắp xếp lại việc kinh doanh, xây dựng khu dịch vụ mới đa dạng, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch”. Theo báo cáo của UBND TP Uông Bí, đã có 5/8 hộ đồng ý nhận đền bù và di dời.

8 gian hàng mà Cty Tùng Lâm mới thu hồi.

Cần thu hồi đúng trình tự pháp luật

Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Cty Tùng Lâm, cho hay: “Năm 2012, 8 ki ốt được xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Các nhà hàng do Cty quản lý không có chuyện chèo kéo khách, mà chỉ xảy ra ở các hộ kinh doanh trên. Ngoài việc phục vụ hàng vạn du khách, Cty và Trung tâm quản lý di tích Yên Tử còn phải dồn sức quản lý 8 nhà hàng, rất mệt mỏi bởi tình trạng chéo kéo, bám khách, đánh nhau, v.v… trong khi chúng tôi đang cố gắng xây dựng hình ảnh văn minh, lịch sự khi đón tiếp du khách, nhằm xây dựng khu du lịch tâm linh tầm cỡ quốc tế. HĐQT Cty đã có chủ trương thu hồi 8 gian hàng”. Ông Thiết khẳng định, việc thu hồi đúng trình tự, trên cơ sở thỏa thuận, không có việc cưỡng chế hay xô xát với người dân.

Bà Trương Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cũng khẳng định phía chính quyền chưa ra quyết định cưỡng chế nào, và đây là hợp đồng dân sự giữa Cty và các hộ dân. “Chúng tôi chỉ đứng ra làm trung gian hòa giải, vận động tuyên truyền và luôn yêu cầu Cty Tùng Lâm phải đền bù thỏa đáng cho người dân. Cty có thể thiệt, người dân thì không được để thiệt thòi. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ người dân đến cùng”. Theo bà Hằng, việc thu hồi 8 gian hàng là chủ trương đúng, nhằm phát triển khu du lịch tâm linh Yên Tử. “Nếu việc kinh doanh vẫn bình thường thì Cty Tùng Lâm không phải chấm dứt hợp đồng”, bà Hằng nói.

Các bên liên quan đều khẳng định, chưa có một quyết định hành chính nào về việc cưỡng chế các gian hàng, cũng không có việc xô xát, cưỡng chế với người dân, nhưng ở một số video do người dân cung cấp thể hiện một lực lượng có sự hỗ trợ của cán bộ CATP Uông Bí đã lôi kéo, giằng co, đẩy một chủ hộ kinh doanh ra khỏi gian hàng thuê của Cty Tùng Lâm. Sau đó lực lượng này đã niêm phong và khóa trái gian hàng lại.

Chủ trương xây dựng Khu di tích Yên Tử thành điểm du lịch văn minh, tầm cỡ quốc tế là đúng đắn. Tuy nhiên, Cty Tùng Lâm cần tiến hành thu hồi đúng trình tự pháp luật. Phó Giám đốc Cty luật Pháp Việt, Lê Văn Khương, cho biết: “Trường hợp hai bên đã ký kết một hợp đồng dân sự, nếu có tranh chấp thì cần giải quyết bằng một phiên tòa dân sự. Nếu tòa chưa phân xử mà một trong hai bên thực hiện việc cưỡng chế là trái luật”. Đề nghị CATP Uông Bí chỉ đạo làm rõ cán bộ CA xuất hiện trong video “lôi kéo” một chủ hộ kinh doanh ra ngoài có phải cán bộ thuộc đơn vị mình hay không và thực hiện “lôi kéo” theo chỉ đạo hay không? Bởi chưa một quyết định cưỡng chế hành chính nào được ban hành, thì lực lượng CA đã can thiệp là vội vàng và vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: Khởi Chiến

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120915075159168p1002c1020/can-giai-quyet-tren-co-so-phap-luat.htm