Cần giải pháp tài chính bảo vệ người dân

Theo thống kê của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài Chính, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đã lên đến khoảng 8.310 tỷ đồng.

Gặp biến cố, kẻ nhẹ bước người long đong

Gia đình anh Trần Văn S, chị Ninh Thị N (Nam Định), trước đây, khi còn khỏe mạnh, ngoài làm thuê cho xí nghiệp trong vùng anh chị còn làm thêm cả mẫu ruộng để nuôi 3 đứa con ăn học. Thế nhưng, bỗng nhiên anh S bị phát hiện mắc bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, phải nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện trung ương. Chị N chạy vạy khắp nơi chữa cho chồng đến nay đã ngót 200 triệu đồng. Nhưng bệnh tình anh phải điều trị lâu dài với nhiều chi phí đắt đỏ, ngoài ra, chị còn phải lo cho hai đứa con còn tuổi ăn tuổi học ở nhà và chuẩn bị học phí cho cậu con cả vừa nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Họ hàng láng giềng đã vay cả, sổ đỏ chị đã cầm, vay lãi cũng làm rồi nên giờ chị không còn biết bấu víu vào ai.

Cũng gặp biến cố lớn như gia đình chị N, cũng là mẹ của 3 đứa con đang tuổi ăn học, chị C.P (Cần Thơ) không may mắn khi người chồng - người cha - người trụ cột kinh tế chính trong gia đình gặp cơn nhồi máu cơ tim. Mặc dù rất vất vả nhưng trước mắt, chị C.P không phải lo lắng về tương lai học hành của các con và có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống từ số tiền bảo hiểm nhận được. Lý do là trước đó, vốn là người hay lo xa nên khi cảm thấy áp lực từ công việc quản lý cơ sở kinh doanh, anh D (chồng chị C.P) đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. Sau hơn 1 năm tham gia, anh D không may mắc bệnh, gia đình anh chị đã được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hơn 200 triệu đồng.

Tại Việt Nam, có rất nhiều những trường hợp giống gia đình chị N, khi mà tư duy dự phòng rủi ro cho tương lai còn thấp, chưa có sự chuẩn bị các giải pháp bảo vệ nên đa phần các gia đình Việt luôn gặp khủng hoảng trầm trọng khi biến cố xảy đến.

Bảo hiểm nhân thọ chia sẻ gánh nặng tài chính

Như trong trường hợp của chị N, nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chi trả một phần hoặc toàn bộ viện phí cho chị tùy theo cam kết trong hợp đồng. Điều này sẽ giúp gia đình chị bớt đi phần nào gánh nặng tài chính, anh S yên tâm điều trị bệnh, còn người con trai cả có thể học tiếp đại học, một tương lai yên ổn và tươi sáng hơn cho cuộc sống gia đình.

Số tiền chi trả từ bảo hiểm nhân thọ rất có ích đối với bệnh nhân và người nhà họ, đặc biệt đối với trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Bởi chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, có thể từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng; đó là chưa kể đến chi phí ăn ở, đi lại, chi phí cho các vật dụng cá nhân hằng ngày và người chăm sóc. Đây là số tiền rất lớn với đa phần người dân Việt Nam. Viện phí này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính gia đình, kể cả các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu.

Bác sĩ Trần Lực – Trưởng khoa chống đau của bệnh viện K Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ người bệnh hoàn toàn có thể nhờ cậy vào các loại hình bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, đối với bệnh nhân tại viện K thì việc có bảo hiểm quan trọng hơn rất nhiều so với các bệnh viện khác. Vì ở các bệnh viện khác bệnh nhân thường điều trị ngắn ngày và tính chất bệnh không phức tạp như tại K. Vì thế việc có bảo hiểm hay không quyết định phương pháp điều trị và phác đồ điều trị. Gia đình có điều kiện đến đâu chúng tôi sẽ sử dụng phác đồ điều trị tương ứng. Mặc dù khi đi chữa bệnh ai cũng mong muốn có phương pháp điều trị tốt nhất, thuốc men tốt nhất nhưng điều kiện kinh tế thì không cho phép”.

Theo thống kê của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài Chính, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đã lên đến khoảng 8.310 tỷ đồng. Con số này đã chứng minh rõ ràng nhất cho sự chia sẻ gánh nặng cùng hàng nghìn mái ấm Việt của bảo hiểm nhân thọ.

Không chỉ song hành, bảo vệ người tham gia khi có rủi ro xảy ra, bảo hiểm nhân thọ còn giúp mỗi gia đình có những hoạch định tài chính thiết thực cho tương lai và là công cụ đầu tư hữu hiệu thông qua việc ủy thác đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp họ không có điều kiện và khả năng tự đầu tư.

Với 3 lợi ích thiết thực: bảo vệ, tích lũy và đầu tư, bảo hiểm nhân thọ đang dần góp phần tạo ra một lối sống đẹp trong xã hội khi việc tham gia bảo hiểm thể hiện trách nhiệm đối với chính bản thân, với gia đình và với cộng đồng.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/thong-tin-doanh-nghiep/can-giai-phap-tai-chinh-bao-ve-nguoi-dan-c41a459645.html