Cần dứt khoát ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép ở Indonesia

Thời gian qua, ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép tại các vùng biển của Indonesia bị xử lý rất mạnh tay: Người bị bắt giữ, tàu cá bị đánh chìm. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn trao đổi với Lao Động về vấn đề này.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn tiễn ngư dân bị bắt giữ về nước

* Thưa ông, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã thực hiện bảo hộ công dân thế nào với những ngư dân bị bắt giữ?

- Đại sứ quán (ĐSQ) có quan hệ khá tốt với các địa phương ở Indoneisa. Dù Indonesia rất rộng lớn, gần 2 triệu km vuông, việc bảo hộ công dân khá khó khăn, nhưng chúng tôi đã triển khai đi tới các địa phương điểm nóng nhất để họ biết rằng những ngư dân của ta tuy bị bắt nhưng có sự quan tâm từ ĐSQ và rất cần được bảo vệ lợi ích hơp pháp của họ. Chúng tôi cũng có quan hệ tốt với các cơ quan trung ương của Indonesia như Bộ Ngoại giao, cảnh sát, Bộ Biển và Nghề cá. Khi có đủ thông tin thì chúng tôi có sự phối hợp nhiều chiều với các cơ quan từ địa phương đến trung ương Indonesia cũng như của Việt Nam. Công dân của ta sau khi bị bắt thì trung bình khoảng 2 tuần là có thể đủ thủ tục từ phía Indonesia trao trả về nước. Tất nhiên thời gian trao trả có thể kéo dài hơn vì cần thủ tục từ phía Việt Nam.

Từ trước thời ông Jokowi (ông Joko Widodo - tổng thống đương thời), Indonesia đã có chính sách tịch thu tàu nước ngoài đánh bắt trong vùng biển Indonesia và coi đó là tài sản của mình. Trước họ làm thầm lặng, không công khai, họ đục thuyền đánh chìm, tháo máy móc để doanh nghiệp mua lại.. Gần đây, họ làm mạnh tay việc này để tạo thông điệp răn đe ngư dân nước khác không vi phạm vùng biển của họ. ĐSQ đã rất kiên trì đấu tranh không làm công khai việc đánh đắm, không công bố quốc tịch tàu bị đắm, vì nó ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Chúng tôi luôn luôn phải xác định lợi ích quốc gia, lợi ích người dân của mình lên đầu. Tôi công tác ở Indonesia gần 10 tháng, nhưng sau hơn 5 tháng tôi mới vận động và tiếp xúc được với Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia, qua đó để họ thấy chính sách của Việt Nam bảo hộ ngư dân nhưng không khuyến khích đánh bắt trái phép trên vùng biển Indonesia. Tôi cũng nói giữa hai bên có nhiều khía cạnh có thể hợp tác. Với sự kiên trì của mình và sự hợp tác giúp đỡ của các ban ngành ở Việt Nam, thì hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực biển và nghề cả có một số bước phát triển. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 này, có 2 đoàn Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sang, đã trực tiếp làm việc với bà bộ trưởng bộ Biển và Nghề cá Indonesia, tất cả các đề nghị của ta nêu ra được phía Indonesia đáp ứng tích cực, phù hợp với lợi ích cả hai nước

* Việt Nam và Indonesia có thỏa thuận về đánh bắt chung hay không?

- Việc đánh bắt chung đang tạm dừng lại nhưng có một số hợp tác trong nuôi trồng, chế biến. Phía Indonesia rất khuyến khích và quan tâm doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn trong lĩnh vực này, điều đó sẽ khuyến khích hợp tác biển và nghề cá hai bên, và giảm việc đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam trên biển Indonesia.

* Vậy chúng ta cần làm gì để có thể làm giảm tình trạng ngư dân đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Indonesia?

- Với ngư dân bị bắt giữ thì trong các lần viếng thăm nơi giam giữ, khi tiễn họ về chúng tôi căn dặn không tái phạm vì Indonesia xử lý rất mạnh việc tái phạm, nhưng có lẽ cũng cần sử dụng luật pháp Việt Nam với một số trường hợp để làm giảm, tiến tới ngăn chặn việc này. Với các địa phương có tàu bị bắt nhiều như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam chúng tôi thường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để cảnh báo ngư dân về chính sách cứng rắn của Indonesia; thông tin cho Cục Lãnh sự, qua kênh báo chí để ngư dân có biện pháp ngăn ngừa. Nhưng cho đến nay hiệu quả chưa cao như sứ quán mong muốn. Một số nước như Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines, số ngư dân bị bắt giảm đáng kể, song số ngư dân Việt Nam chưa giảm, có chiều hướng hơi tăng, nên công tác phối hợp cần mạnh hơn hơn nữa. Hiện ở Indonesia vẫn còn khoảng 400 ngư dân đang bị giam giữ. Ngoài ra, hy vọng biên bản hợp tác biển và nghề cá hai nước có thể ký sớm nhất tháng 9 hoặc muộn hơn là đầu tháng 10, qua đó các điểm có thể chưa thuận trong hợp tác nghề cá, vấn đề ngư dân đánh bắt bất hợp pháp sẽ được xử lý.

* Xin cảm ơn Đại sứ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/can-dut-khoat-ngan-chan-ngu-dan-viet-nam-danh-ca-trai-phep-o-indonesia-586777.bld