Cân đối lợi ích doanh nghiệp và người lao động

Thông tin Bộ LĐTBXH trình các phương án nghĩ lễ năm 2017, đặc biệt các phương án nghỉ lễ Tết Âm lịch đã thu hút được sự quan tâm của người lao động. Trong khi, Bộ LĐTBXH nghiêng về phương án nghỉ tết 7 ngày thì kết quả khảo sát trên báo Lao Động điện tử cho thấy, gần 70% số bạn đọc ủng hộ phương án nghỉ tết 10 ngày.

Người lao động đón xe khách về quê nghỉ tết tại Bến xe Đồng Nai (TP. Biên Hòa, Đồng Nai).

Lắng nghe ý kiến từ Tổng LĐLĐVN và VCCI

Theo ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Cục An toàn lao động đang tích cực đôn đốc các bộ, ngành liên quan khẩn trương cho ý kiến về các phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2017. Trong đó, đặc biệt lưu ý đề xuất của hai cơ quan liên quan trực tiếp đến người lao động và chủ sử dụng lao động là Tổng LĐLĐVN và VCCI. “Chúng tôi mới ký gửi phương án cho các bộ, ngành cơ quan khoảng 1 tuần, theo quy định các bộ, ngành có 2 tuần để chốt phương án”, ông Diệp cho biết.

Về hai phương án nghỉ tết đang được nói đến hiện nay là nghỉ 7 ngày (từ thứ 5, ngày 26.1.2017 đến hết ngày thứ tư, ngày 1.2.2017) và nghỉ 10 ngày (từ ngày 27.1 đến hết ngày 5.2.2017), Bộ LĐTBXH thiên về phương án nghỉ 7 ngày vì “thời gian vừa phải và số ngày nghỉ trước tết là 2 ngày; sau tết là 5 ngày là phù hợp”, ông Diệp cho hay.

Về phía các DN, người lao động, còn một số ý kiến khác nhau: Trong khi đa số người lao động muốn chọn phương án nghỉ 10 ngày để nghỉ tết được lâu nhưng có chút lấn cấn vì thời gian nghỉ quá cận tết thì doanh nghiệp muốn chọn phương án nghỉ 7 ngày. Ngoại lệ, một số công ty, doanh nghiệp không quá quan tâm đến lịch nghỉ vì luôn có phương án chủ động sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Văn Thảo - Giám đốc Cty CP Du lịch Hà Nội (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, với nhiều mô hình kinh doanh, đặc biệt trong mảng khai khoáng, Cty ông cho nghỉ tết luân phiên để không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2017 với 2 phương án nghỉ 7 ngày và 10 ngày, ông Thảo cho biết bản thân ông và công nhân công trường muốn chọn lịch nghỉ 10 ngày. “Các điểm khai thác, chế biến khoáng sản của chúng tôi đều nằm trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi phía bắc, thậm chí có cơ sở khai khoáng bên nước bạn Lào. Nếu lịch nghỉ dài ngày thì công nhân có thêm thời gian bên gia đình vì họ phải di chuyển quãng đường khá xa để về đoàn tụ dịp tết”, ông Thảo chia sẻ.

Người lao động muốn nghỉ 10 ngày

Chị Lê Minh Hòa quê ở Con Cuông (Nghệ An), công nhân một nhà máy tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) muốn chọn phương án nghỉ 10 ngày vì phải quê xa và cho rằng chị không quá ảnh hưởng việc ngày 30 tết mới được nghỉ.

CN Phan Thị Thúy - Cty Samsung (trọ tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, quê tôi ở Nghệ An, rất xa; hơn nữa cả năm mới về quê 1-2 lần nên tôi muốn được nghỉ thật dài ngày bên gia đình.

Bà Dương Minh Hằng - một công chức ở Hà Nội - cho biết, với khối công chức, viên chức , ai cũng muốn nghỉ dài ngày - để có điều kiện thăm hỏi họ hàng, làng xóm; ai có điều kiện hơn thì đi du lịch… Tuy nhiên, đi đôi với việc Nhà nước tạo điều kiện cho nghỉ dài ngày thì Nhà nước cũng phải tính đến phương án các dịch vụ kèm theo như giao thông vận tải, du lịch… tránh tình trạng đi chơi đâu đó mà như “đi đánh vật”, mất hết cả ý nghĩa của ngày nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết, bà ủng hộ phương án nghỉ 10 ngày. Theo bà Vân, người lao động được nghỉ 10 ngày sẽ hạn chế tình trạng nghỉ ngắt quãng, hết nghỉ tết, đi làm 2 ngày lại nghỉ tiếp. Về việc nghỉ quá cận ngày trong phương án nghỉ 10 ngày, bà Vân cho rằng, có thể bố trí cho người lao động đi làm ngày thứ 7, chủ nhật trước tết để họ được nghỉ sớm hơn.

Ý kiến của cán bộ CĐ, người lao động về 2 phương án nghỉ tết

* Ông Lê Nho Lượng (Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương): “Không đồng tình với cả hai phương án”. Ông Lượng cho rằng, hằng năm các DN đều dựa vào lịch nghỉ tết do Bộ LĐTBXH công bố để xây dựng lịch lao động sản xuất đơn hàng, thời gian nghỉ của NLĐ. Do đó, năm nay nếu theo phương án 1 - sẽ nghỉ từ 26.1 - 1.2.2017 (tức 29 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu) thì NLĐ sẽ được 7 ngày, dẫn đến NLĐ được nghỉ tết ít hơn những năm gần đây. Nhiều NLĐ xa quê chỉ chờ vào dịp tết nghỉ dài ngày để sum họp với gia đình, nên theo tôi phương án 1 không phù hợp. Còn phương án 2, NLĐ được nghỉ 10 ngày (từ 30 tháng chạp năm Bính Thân, đến 9 tháng giêng năm Đinh Dậu) thì càng không phù hợp bởi đến ngày 30 thì NLĐ rất khó kiếm phương tiện để về quê, nhất là những CN ở các tỉnh phía bắc. Theo tôi, các DN ngoài nhà nước sẽ tự xây dựng lịch nghỉ tết. H.A ghi

* Ông Đinh Quốc Toản (Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội): “Nghỉ 10 ngày, nên bắt đầu từ ngày 28 tháng chạp”. Theo ông Toản, phương án nghỉ tết 10 ngày là phù hợp với NLĐ đang làm việc tại các KCN-KCX trong cả nước. Ông Toản cho rằng nên bắt đầu nghỉ từ ngày 28 tháng chạp, bởi NLĐ có thời gian sắm sửa quà tết, thuận tiện trong việc lựa chọn phương tiện di chuyển và quan trọng nhất là tạo tâm lý ổn định cho NLĐ. H. ANH ghi

* CN Hà Thị Phương Anh (Cty may liên doanh Plumy đóng tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội): Tôi chọn phương án 1 nghỉ 7 ngày (từ 29 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu) bởi NLĐ đi làm ở các DN thì ai cũng bận rộn, không có thời gian đi mua sắm. Đến tận 30 tháng chạp năm Bính Thân mới được nghỉ tết như phương án 2 (nghỉ từ đó đến mùng 9 tháng giêng năm Đinh Dậu) thì vất vả quá. XUÂN TRƯỜNG ghi

* CN Lê Trọng Hoành - CN Cty TOTO, đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội: “Gây bất lợi cho NLĐ”. Cả hai phương án nghỉ tết là 10 ngày và 7 ngày do Bộ LĐTBXH đưa ra có điểm chung là nghỉ quá cận ngày. Theo tôi, Chính phủ nên có phương án khác để CN được nghỉ sớm hơn: CNLĐ được nghỉ từ 27 Tết (nghỉ 7 ngày), nhằm giúp CN xa quê chủ động hơn, đỡ vất vả hơn trong hành trình về quê ăn tết. Nếu theo phương án này, CN sẽ làm bù một ngày nghỉ tết và bắt đầu làm việc từ ngày 5.1 âm lịch. Như thế sẽ thuận lợi cho NLĐ hơn.

QUẾ CHI ghi

NHÓM P.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/can-doi-loi-ich-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-603315.bld