Cần đảm bảo an sinh cho người dân khi thi công trên đầm Lăng Cô

Những ngày qua, người dân ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) đã liên tiếp phản đối, ngăn cản đơn vị thi công xây dựng đường công vụ (dưới nước) phục vụ cho dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do lo ngại tình trạng thay đổi dòng chảy gây sạt lở, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản khi tuyến đường này được hoàn tất đưa vào sử dụng.

Năm 2016, Bộ GTVT phê duyệt dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân gồm 2 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư gần 7.300 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại và cải tạo tuyến QL1 qua đèo Hải Vân; giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông, với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.

Ngày 17-3-2017, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông- Bộ GTVT, có quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu HV2-XL3, xây dựng cầu Hải Vân và đường dẫn phía Bắc, trong đó có hạng mục đường công vụ (dưới nước).

Theo đó, đơn vị thi công là Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân- Hamadeco đã triển khai xây dựng đường công vụ để làm đường dẫn tập kết, vận chuyển vật liệu thi công cầu Hải Vân, thuộc dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân bằng rọ đá, bê tông kiên cố.

Theo hồ sơ thiết kế, tuyến đường công vụ này được xây dựng từ bờ Nam Hải Vân ra đầm Lăng Cô, dài 230m, cao độ mặt đường 1,9m. Hiện tuyến đường đã được thi công chiều dài 180m, mặt đường rộng từ 6-7m chắn ngang đầm Lăng Cô, nhưng phía bên dưới lại không lắp đặt hệ thống cống thoát nước, làm ngăn cản dòng chảy tự nhiên. Lo ngại tình trạng sạt lở xảy ra khi dòng chảy thay đổi, từ ngày 26-5 và những ngày sau đó, người dân ở thị trấn Lăng Cô đã ra tuyến đường này ngăn cản đơn vị thi công đổ đá làm đường.

Ông Nguyễn Văn Tây (ở thôn An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô), có nhà nằm ở phía Bắc đầm Lăng Cô, đối diện với đường công vụ cho biết, trước đây, bao quanh làng chài là trảng cát vàng rộng lớn. Khi làm hầm Hải Vân, đơn vị thi công làm đường công vụ để xây cầu nhưng sau đó không thanh thải hết tuyến đường này đã gây ra tình trạng đầm bị bồi lấp, dẫn đến xâm thực, sạt lở nặng vào mùa mưa bão.

Đến nay, lại có một tuyến đường công vụ mới tiếp tục xây nên chắn ngang đầm Lăng Cô làm thu hẹp dòng chảy, khiến mực nước dồn chảy xiết về phía làng chài, gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền nên người dân hết sức lo lắng và bức xúc.

Tuyến đường công vụ được thi công ở đầm Lăng Cô.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng làng An Cư Đông cho biết, làng có 700 hộ dân thì trong đó gần 50% số hộ làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đầm Lăng Cô. Việc xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân để phục vụ giao thông, phát triển kinh tế xã hội thì người dân rất ủng hộ, nhưng chỉ lo ngại một điều là tuyến đường công vụ được thi công chạy song song dưới cầu Hải Vân sẽ gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, về lâu dài sẽ gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở ở khu dân cư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, ngay sau sự việc người dân phản đối đơn vị thi công xây dựng đường công vụ trên đầm Lăng Cô, UBND thị trấn đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của Ban Quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân, đại diện đơn vị thi công, chính quyền địa phương, Chi hội nghề cá, các hộ dân ở tổ dân phố An Cư Đông 1, An Cư Đông 2, Hải Vân và Ban hộ chủ làng An Cư Đông để lắng nghe ý kiến của người dân.

Qua các cuộc họp, hiện Ban Quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân đã thống nhất với các yêu cầu của địa phương là lắp đặt bổ sung 5 cống thoát nước đường kính từ 0,8-1m tại các vị trí phù hợp trên đường công vụ; giảm cao độ mặt đường từ 1,9m xuống còn 1m và cam kết sẽ thanh thải tuyến đường này sau khi thi công xong cầu. Tuy nhiên, người dân vẫn đề nghị tháo dỡ phần đá đổ làm đường công vụ để lưu thông dòng chảy nên hiện đơn vị thi công đã cho dừng thi công...

Ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết thêm, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân là công trình Quốc gia, mọi thay đổi về thiết kế đều phải trình Chính phủ. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND huyện cùng các đơn vị chuyên môn lẫn chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra thực tế tại tuyến đường công vụ kể trên.

Tới đây, huyện và Ban quản lý dự án sẽ họp lại với người dân địa phương để có phương án tối ưu nhất trong quá trình thi công nhằm đảm bảo vấn đề an sinh, an toàn trong việc thi công dự án”, ông Mẫn khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/can-dam-bao-an-sinh-cho-nguoi-dan-khi-thi-cong-tren-dam-lang-co-445777/