Cần 'cú huých' để thúc đẩy xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội

Sau hơn ba năm thành lập (từ tháng 10-2013 đến nay), vượt qua nhiều khó khăn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực giúp đỡ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng (NTD).

Hoạt động kết nối đưa nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố về Hà Nội bước đầu đạt kết quả khả quan, song số lượng còn hạn chế. Vì vậy thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại nông nghiệp (XTTMNN) nhằm đáp ứng nhu cầu nông sản thực phẩm của gần 10 triệu người dân Thủ đô.

Vì sao “cung” chưa đủ “cầu”?

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, số lượng nông sản thực phẩm sạch còn ít, “cung” chưa đủ “cầu” là do số DN lớn và cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia liên kết, hợp tác chưa nhiều. Hoạt động kết nối xúc tiến đầu tư giữa DN Thủ đô và DN các tỉnh, thành phố còn hạn chế bởi chính sách thu hút DN đầu tư chưa đủ mạnh. Số lượng sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội qua khớp nối còn hạn chế chưa tương xứng với nhu cầu của thành phố và tiềm năng của các địa phương. Việc khớp nối - trao đổi thông tin trong quá trình hợp tác giữa đơn vị quản lý nhà nước của mỗi địa phương với các cơ sở sản xuất, DN tham gia kết nối chưa thường xuyên, nên việc tháo gỡ khó khăn cho DN đôi khi chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh nên chưa thu hút được các DN lớn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Hà Nội với các tỉnh. Nhiều địa phương cơ bản chưa có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác XTTMNN nên khó khăn trong khâu kết nối; hàng năm chưa xây dựng kế hoạch XTTMNN, nên chưa chủ động và thiếu kinh phí để triển khai thực hiện.

Mặt khác, khó khăn về địa lý, khâu vận chuyển, kho bãi, nhất đối với sản phẩm trái cây tươi, khâu sơ chế, chế biến và bao gói sản phẩm để đưa về tiêu thụ tại Hà Nội chưa đáp ứng được. Quy mô sản xuất nhiều sản phẩm của các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa đầy đủ chứng nhận chất lượng sản phẩm để khớp nối tiêu thụ tại các kênh phân phối của Hà Nội. Ở một số tỉnh việc khớp nối với DN phân phối của Hà Nội chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ có kinh nghiệm sản xuất, chưa có kinh nghiệm làm thương mại và thiếu vốn nên khó khăn trong quá trình đàm phán, thương thảo và liên kết hợp tác...

Cùng chia sẻ quan điểm này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong mong muốn Sở NN và PTNT Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp các DN Sơn La liên kết, hợp tác với các DN Hà Nội ngày càng bền vững, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Hiện, Hà Nội đã xác định được tám vùng với tám sản phẩm chủ lực để tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết, nhãn hiệu tập thể như: sữa Ba Vì, gà mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, trứng vịt Liên Châu… Đồng thời, liên kết với một số địa phương xây dựng hơn 10 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn (thịt gia súc, gia cầm, trứng, hải sản, rau củ quả, trái cây).

Từ đầu năm đến nay, các đoàn hợp tác của Hà Nội đã đưa 53 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các địa phương trong cả nước. Hiện các DN tham gia chương trình hợp tác của Hà Nội đã kết nối với hơn 70 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 20 hợp đồng được ký kết với gần 200 chủng loại sản vật đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội.

Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ, hiện nay, khoảng 70 - 80% lượng trái cây an toàn trong hệ thống của công ty đang phân phối trên địa bàn là thông qua chương trình XTTM của ngành nông nghiệp thành phố. Việt Nam có nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng nên cần thiết phải duy trì chương trình XTTM NN bền chặt, lâu dài để phục vụ NTD.

Theo Giám đốc Trung tâm XTTMNN Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để giải “bài toán” cung – cầu nông sản sạch cung ứng dồi dào cho thị trường trong thời gian tới, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin có liên quan trong công tác XTTMNN giữa Hà Nội và các địa phương để kịp thời hỗ trợ tư vấn cho người sản xuất, DN của mỗi địa phương kết nối giao thương. Cần gắn kết công tác phối hợp hỗ trợ người sản xuất và DN của mỗi địa phương liên kết hợp tác đưa các sản phẩm tốt trong quá trình tiêu thụ. Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố cần tham mưu cho địa phương cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho các DN tham gia liên kết, hợp tác để đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, hàng năm mỗi địa phương cùng vận động các cơ sở sản xuất, DN tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm do mỗi bên tổ chức. Đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện các hoạt động XTTMNN khác như: Tuần lễ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại Hà Nội. Xây dựng hệ thông minh bạch thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Và để tạo điều kiện cho các sản phẩm an toàn rõ xuất xứ nguồn gốc, đặc sản vùng miền được giới thiệu đến đông đảo DN và người tiêu dùng Hà Nội, Sở NN và PTNT Hà Nội cũng mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại Trung tâm XTTMNN Hà Nội, 35 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng.

Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, cùng sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành chức năng của Hà Nội, các địa phương; các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ sản xuất thêm được nông sản thực phẩm sạch với khối lượng lớn, chất lượng cao, đủ phục vụ NTD.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/31323702-can-cu-huych-de-thuc-day-xuc-tien-thuong-mai-nong-nghiep-ha-noi.html