Căn cứ để hoàn trả tiền đào tạo tay nghề

Bạn đọc có địa chỉ email: traitimcuagio73@xxx phản ánh: Tôi xin vào làm cho một Cty may ở TP. Biên Hòa, cách đây gần 1 năm. Tôi làm thử việc được 7 ngày thì Cty cho ký giấy cam kết phải làm việc 6 tháng cho Cty, nếu nghỉ thì phải bồi thường tiền đào tạo may. Tôi làm tới ngày thứ 10 thì nghỉ ngang vì phải về quê nhà có việc gấp. Cty có gọi tôi và tôi cho biết không thể tiếp tục công việc. Tính từ lúc đó tới nay khoảng 8 tháng. Nay tôi đi làm chỗ mới, Cty yêu cầu phải có sổ BHXH để làm thủ tục đóng BHXH. Tôi quay lại Cty cũ để lấy sổ BHXH thì Cty bắt đóng 800.000 đồng tiền đào tạo tay nghề thì mới trả sổ BHXH. Tôi có phải bồi thường?

Nữ lao động ngành may.

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều - Văn phòng luật sư số 6, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời: Điều 43 BLLĐ 2012 quy định về nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật: Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho NSDLĐ theo quy định tại Điều 62 của bộ luật này.

Tuy nhiên, bạn cần xem xét lại, 7 ngày đầu tiên bạn đi làm là thử việc hay đào tạo nghề. Nếu là đào tạo nghề thì hai bên phải ký HĐ đào tạo nghề trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu giữa hai bên có ký HĐ đào tạo nghề, thì việc Cty cũ yêu cầu bạn bồi thường 800.000 đồng là có cơ sở. Còn nếu thời gian đó là thử việc thì bạn không phải bồi thường. Bạn nên khiếu nại đến phòng LĐTBXH cấp huyện hoặc nhờ LĐLĐ cấp huyện nơi Cty cũ đóng trụ sở hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Bạn đọc có số điện thoại 01213997xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL hỏi: Trước đây, bạn đã đi làm đóng BHXH được 2 tháng thì phải nghỉ không lương để dưỡng thai. Nay bạn đi làm lại, dự định đến tháng 1.2017 sẽ sinh con. Bạn lo ngại không được hưởng chế độ thai sản do không đóng BHXH đủ 6 tháng liên tục.

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định: 1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do Luật BHXH chỉ quy định NLĐ đóng BHXH đủ 6 tháng (không cần liên tục) trong 12 tháng trước khi sinh nên nếu bạn đóng BHXH đủ 6 tháng thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Q. Hùng - N. Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/can-cu-de-hoan-tra-tien-dao-tao-tay-nghe-613723.bld