Cần có quy trình loại bỏ thạch tín trong nước mắm càng sớm càng tốt

Với 106 mẫu đủ các loại thương hiệu, nhiều độ đạm khác nhau được thu mua ở các đại lý, siêu thị, cửa hàng từ 13 địa phương từ bắc đến nam trong cả nước, kết quả cho thấy 80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín cho phép.

Vừa qua, báo Thanh niên đã có một cuộc khảo sát độc lập về nước mắm tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, với 106 mẫu đủ các loại thương hiệu, nhiều độ đạm khác nhau được thu mua ở các đại lý, siêu thị, cửa hàng từ 13 địa phương từ bắc đến nam trong cả nước gồm: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ và TP.HCM, hầu hết các mẫu nước mắm đều vượt quy định ATVSTP, đặc biệt thuộc nhóm có độ đạm cao.

Một cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc. Ảnh Báo Thanh niên

Trong đó, 80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín, chiếm 75,5% trên tổng số 106 mẫu đã được xét nghiệm. Trong đó có 75/83 mẫu (các mẫu có độ đạm được ghi trên nhãn >= 25 độ) có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn cho sức khỏe so với quy định (chiếm 90,4%).

Nước mắm có độ đạm càng cao càng có hàm lượng thạch tín cao gấp nhiều lần cho phép. Có loại nước mắm vượt ngưỡng cho phép (1mg/1lit) lên tới 4 lần.

Dạo khắp các siêu thị trong thành phố, xem các thành phần ghi trên bao bì thì dường như thạch tín là một ẩn số chưa bao giờ được các cơ sở sản xuất nhắc đến.

Ngoài kiểm tra hàm lượng thạch tín, cuộc khảo sát trên còn kiểm tra và so sánh độ đạm của các sản phẩm thực tế và độ đạm trên bao bì. Trong đó có tới khoảng 25 sản phẩm có mức chênh lệch rất lớn; đơn cử như trên nhãn ghi độ đạm là 30 thì thực tế xét nghiệm độ đạm chỉ ở mức 16; hay trên nhãn ghi là 60 nhưng thực tế xét nghiệm chỉ ở mức 40.

Điển hình như: mẫu nước mắm mua trong một siêu thị TP.HCM, trên nhãn ghi nồng độ đạm 60 nhưng kết quả xét nghiệm chỉ có 39,8, thấp hơn đến 20,2 độ đạm; mẫu nước mắm mua tại Hà Nội ghi nồng độ đạm 43 nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 27,3.

Nói về nguyên nhân vì sao lại xuất hiện thạch tín trong nước mắm và ngày càng phổ biến ở diện rộng, ông Phạm Ngọc Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm TP.HCM) cảnh báo là những nhà sản xuất nước mắm đang theo xu thế chung là nước mắm độ đạm càng cao càng ngon: “Để nước mắm được cao đạm nhiều người còn dùng đạm tổng hợp từ các loại phụ phẩm của hải sản khác. Chưa kể đến nước mắm cao đạm ở VN thường có tỉ lệ vi khuẩn gây ngứa (histamine) và hàm lượng thạch tín vượt quá quy định cho phép”.

Một chuyên gia về nước mắm đã nêu ý kiến, những chủ vựa sản xuất, những nhà kinh doanh lợi dụng tâm lý người tiêu dùng chuộng sản phẩm có độ đạm cao nên ghi ‘khống’ trên bao bì và bằng chứng là khi kiểm định thì độ đạm thực tế trong chai thấp hơn rất nhiều. Việc ghi gian độ đạm này còn là hình thức gian lận trong thương mại, ‘móc túi’ hàng triệu khách hàng.

Hiểm họa ung thư từ nguy cơ nhiễm thạch tín trong nước mắm

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thạch tín đi vào cơ thể con người thông qua việc dùng nước sinh hoạt, hít phải không khí ô nhiễm thạch tín, ăn uống các loại thực phẩm, ngũ cốc, trái cây, cá, nước mắm nhiễm thạch tín từ nước tưới, đất…

Theo số liệu của WHO cứ 10.000 người thì có 6 người bị ung thư do sử dụng nước ăn có nồng độ asen lớn hơn 0,01 mg/lít nước.

Viện Hàn lâm khoa học Mỹ đã cảnh báo chất thạch tín trong thực phẩm dù nhỏ cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Vì vậy, thạch tín đã được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) liệt vào chất gây ung thư nhóm 1, có độc tính gấp 4 lần thủy ngân.

Dù ở mức độ nào đi nữa nhưng khi nó diễn ra hàng ngày và tích tụ trong cơ thể, theo thời gian sẽ gây ra những bệnh tật nặng nề như ung thư, giảm hồng cầu và bạch cầu, hội chứng đen da, tiểu đường...

Cho đến ngày nay loài người chưa tìm ra được thuốc đặc trị những căn bệnh do nhiễm thạch tín gây nên.

Vì vậy, với thực tế nước mắm chứa thạch tín như hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra các phương thức và phương tiện hỗ trợ, kiểm soát chất lượng sản phẩm hiện đại nhằm loại trừ những tạp chất và các chất độc hại.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-co-quy-trinh-loai-bo-thach-tin-trong-nuoc-mam-cang-som-cang-tot-post211497.info