Cần có quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích

Hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích không phải đến bây giờ mới được đề cập. Song, với số lượng di tích trên địa bàn lớn, nguồn ngân sách còn hạn chế thì công tác này rất ít được các địa phương chú trọng triển khai. Thực tế cho thấy, ở những nơi chi trả hỗ trợ, người trông nom di tích yên tâm và gắn bó với công việc hơn, tình trạng mất cắp cổ vật cũng được hạn chế.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn hiện có 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích được xếp hạng. Như vậy, số di tích sẽ tương đương với lượng người trông coi và bảo vệ. Cần phải khẳng định, di tích là tài sản chung của cộng đồng, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân nên công tác trông coi, bảo vệ luôn cần thiết. Song, có một thực tế là, không ít người dù đã đảm nhận công tác trông giữ di tích suốt hàng chục năm nhưng họ vẫn không hề nhận được bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Trường hợp ông Nguyễn Đình Kính (70 tuổi, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức)– Thủ từ trông giữ đình Tiền Lệ là một ví dụ.

Khó khăn về ngân sách khiến không ít người trông coi di tích suốt nhiều năm nhưng vẫn không được hưởng chế độ gì

Theo đó, ông Kính bắt đầu công việc trông giữ di tích Quốc gia đình Tiền Lệ từ năm 2003. Làm công việc “vác tù và” nhưng ông Kính luôn coi đây là trọng trách lớn, mọi việc làm đều xuất phát từ sự tự nguyện và không có chế độ. Suốt 14 năm đảm nhận công tác này, mỗi khi nhân dân đến lễ lạt ông đều nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn. Ông còn là “hướng dẫn viên” am hiểu về lịch sử ngôi đình cổ của làng nên khi có khách đến ông Kính đều dành thời gian trò chuyện, giới thiệu về giá trị công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh này.

Thấy được sự nhiệt tình của ông Kính, Hội Người cao tuổi địa phương đã hỗ trợ 350.000 đồng/tháng. “Tôi trông giữ đình được 14 năm, suốt quãng thời gian này không hề nhận được hỗ trợ từ xã. Thấy tôi trông nom vất vả, các cụ trong làng có hỗ trợ tôi 350.000 đồng/tháng. Tôi ra làm công việc này chủ yếu với suy nghĩ ra giúp việc cho dân làng chứ tính kinh tế thì cả ngày, cả đêm chưa được 10.000 đồng, còn không đủ ăn quà sáng” – ông Kính bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Như Chương – Trưởng ban Khánh tiết Đình Tiền Lệ, dù có người trông coi di tích song khi xảy ra mất mát sẽ rất khó quy được trách nhiệm vì công việc trên hoàn toàn tự nguyện, không có hợp đồng và kinh phí ràng buộc. “Địa phương có đặc thù gồm nhiều điểm phục vụ tín ngưỡng, tâm linh như: 3 chùa, 2 quán, 1 đình, 1 đền… mỗi khu vực này phải cắt cử và chia đều ra 5 - 8 người trông. Không có hỗ trợ cho họ sẽ khó quy được trách nhiệm, không có gì ràng buộc rất khó” – ông Chương chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Như Hải – Cán bộ phụ trách Văn hóa xã Tiền Yên cho biết, địa phương cũng đã nhìn nhận được những bất cập trên song do ngân sách còn hạn chế nên chưa thể cân đối để chi trả cho người trông coi di tích.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ kinh phí cho những người trông coi di tích, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết: Những bất cập liên quan từ lâu đã được thành phố nhìn nhận. Hiện thành phố đã có chủ trương giao cho Sở Văn hóa cùng các ban ngành, quận, huyện rà soát để đề ra phương hướng xử lý cụ thể. “Những di tích nào có nguồn thu ổn định sẽ cho phép trích từ nguồn thu ấy ra cho người trông coi. Còn những di tích nào không có nguồn thu hoặc nguồn thu không ổn định thì phải viết đề án để trình với Hội đồng Nhân dân Thành phố xem xét hỗ trợ” – ông Tiến chia sẻ.

Trong khi nhiều địa phương loay hoay với vấn đề này thì ở huyện Mê Linh, công tác hỗ trợ cho những người trông coi di tích đã được triển khai từ năm 2012, hiện đã và đang phát huy được những hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Huy Sơn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mê Linh cho biết: “Hoạt động này chính thức được triển khai từ năm 2012 khi Mê Linh xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo di tích và được Hội đồng Nhân dân huyện thông qua. Đây là sự quan tâm, ghi nhận của địa phương với những người trông coi, hiệu quả thực tế cho thấy họ rất phấn khởi, gắn bó hơn với công việc. Các vấn đề như di tích xuống cấp, mối mọt, tình trạng mất cắp các cổ vật… ở các di tích cũng đã hạn chế”.

Theo ông Sơn, nhằm thực hiện Quyết định 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của Ủy ban Nhân dân Thành phố, huyện Mê Linh đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng kiện toàn Ban quản lý di tích. Đến nay, hầu hết các di tích trên địa bàn đã thành lập Ban quản lý do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch các xã, thị trấn làm trưởng ban. Hiện huyện trực tiếp quản lý 75 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Với các di tích này, huyện hỗ trợ kinh phí trông coi, bảo vệ di tích là 450.000 đồng/tháng/người, hỗ trợ mỗi Ban quản lý xã, thị trấn 5 triệu đồng/năm.

Bảo vệ di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi vậy, đi liền với trách nhiệm là chế độ đãi ngộ hợp lý hơn cho lực lượng này. Từ kinh nghiệm của huyện Mê Linh cho thấy, dù nguồn ngân sách hạn chế nhưng việc chi trả chế độ cho người trông coi di tích vẫn có thể thực hiện được nếu phân bổ một cách hợp lý.

Đinh Luyện – Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-quy-dinh-cu-the-viec-ho-tro-kinh-phi-cho-nguoi-trong-coi-di-tich-60682.html