Cần có Luật Nhà giáo để bảo vệ đội ngũ giáo viên

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề xây dựng một sắc luật có tên là 'Luật Nhà giáo'.

Luật sư Đinh Anh Tuấn.

Luật sư Đinh Anh Tuấn.

Được biết, gần đây Bộ GD&ĐT đã khởi động lại Dự án xây dựng Luật Nhà giáo. Xin cho biết quan điểm của Luật sư về vấn đề này?

Trước đây, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Luật Nhà giáo, nhưng ngày đó dự thảo này không nhận được nhiều sự ủng hộ. Mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khởi động lại dự án xây dựng sắc luật này. Quan điểm cá nhân tôi, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết.

Vì sao đã có Luật Giáo dục nhưng vẫn cần thiết có thêm Luật Nhà giáo, thưa luật sư?

Luật Giáo dục được xem như một luật khung, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của nó rất rộng, bao gồm người dạy, người học, người trực tiếp quản lý và cả những người liên đới trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Luật Nhà giáo có đối tượng và phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, đó là đội ngũ nhà giáo, vì vậy nó có thể đưa ra những quy định cụ thể và thiết thực nhằm tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo, cũng như những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi, nhằm phát triển cả chất và lượng đội ngũ nhà giáo.

Lâu nay chúng ta chưa có Luật Nhà giáo thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được thực hiện ra sao?

Bên cạnh Luật Giáo dục, chúng ta còn có Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, và phải kể thêm Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Hiện tại đội ngũ nhà giáo ngoài công lập khá lớn, và đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Các sắc luật vừa nêu chưa “phủ sóng” đến được đội ngũ này. Chúng ta cũng có rất nhiều quy định về nhà giáo, nằm rải rác ở các nghị định và thông tư. Việc ra đời Luật Nhà giáo sẽ giúp nâng cao tính đồng bộ và hiệu lực thi hành của các quy định đang khá tản mát này.

Vậy Luật Nhà giáo chỉ là hệ thống lại những quy định đã có, hay nó còn có thêm các quy định mới?

Theo tôi, ngoài chuẩn hóa các quy định hiện nay đang nằm tản mát trong các sắc luật và văn bản dưới luật, Luật Nhà giáo sẽ hướng đến cả việc phát huy tính tự giác, tự chủ trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, sắc luật này khi được xây dựng và ban hành sẽ có thêm những quy định mới, chẳng hạn quy định về việc hình thành và hoạt động tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, và việc xây dựng tốt hơn bộ quy tắc đạo đức của nhà giáo.

Theo luật sư, vì sao lại cần đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo và vai trò của tổ chức này đối với sự nghiệp giáo dục?

Cũng như nhà báo có Hội Nhà báo, luật sư có Liên đoàn và các Đoàn Luật sư, các nhà giáo cũng cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình. Đây là một vấn đề lớn, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo nhiều ý kiến của các nhà giáo và các chuyên gia pháp luật. Song theo tôi, vai trò của tổ chức này là gắn kết đội ngũ nhà giáo, để họ có thể giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau tốt hơn trong chuyên môn và trong cuộc sống.

Luật sư có nhắc đến bộ quy tắc đạo đức nhà giáo. Hiện nay nó đã có chưa, và nó có phát huy được vai trò đối với các nhà giáo không?

Ngày 16/4/2008, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, kèm theo Quyết định này là “Quy định về đạo đức nhà giáo” gồm ba chương, 11 điều. Theo tôi thì những quy định về đạo đức nhà giáo này có nhiều ý khá hay, song cũng còn có nhiều quy định nặng về bắt buộc chứ chưa phát huy được tính tự giác của nhà giáo, vì vậy chúng chưa có nhiều tác dụng trong thực tế.

Chẳng hạn, khoản 1 điều 6 của Quy định về đạo đức nhà giáo: “Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân”. Nếu nhà giáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, đương nhiên họ sẽ bị xử lý theo chế tài hình sự hoặc hành chính, đâu cần đến quy định của đạo đức. Theo tôi, ban hành quy tắc đạo đức là nhằm đưa ra những điều mà pháp luật chưa có quy định, và đòi hỏi nhà giáo phải tự giác thực hiện. Những quy định giản dị thôi, chẳng hạn nhà giáo không được phép nói tục, nhà giáo phải viết chữ đẹp và không sai chính tả. Có như vậy nhà giáo mới là tấm gương để người học soi vào và làm theo.

SẼ HẠN CHẾ NHÀ GIÁO “BỊ ĐIỀU ĐỘNG TIẾP KHÁCH”!

Theo ông, nếu có Luật Nhà giáo, những hiện tượng như nhà giáo bị điều động đi tiếp khách đang xôn xao dư luận thời gian vừa qua sẽ được ngăn chặn ngay từ đầu?

Về chuyện nhà giáo bị điều động đi tiếp khách, theo tôi vụ việc đang bị đẩy đi xa quá mức cần thiết. Việc tiếp khách không có gì là xấu. Nhà trường cũng thường xuyên có khách, các thầy cô, ngay cả Hiệu trưởng cũng phải tiếp khách, trong đó có thể có việc mời cơm, cũng là bình thường. Vấn đề không bình thường là việc có những người khách quá đà. Phải phê bình hành vi quá đà, mượn bia rượu, mượn giao lưu văn nghệ để có lời nói hoặc cử chỉ không đúng mực với người đang tiếp mình. Dư luận vừa qua không công bằng, chỉ tập trung vào những cô giáo được huy động tiếp khách, mà quên mất là phải phê bình những vị khách quá đà nào đó.

Nếu có Luật Nhà giáo, thì khi xảy ra sự việc trên ảnh hưởng đến hình ảnh, đến nhân phẩm của nhà giáo, thì việc phân tích, đánh giá và xử lý sẽ dễ dàng hơn, phải không thưa ông?

Tôi cho rằng đúng như vậy. Nếu có quy định (có thể là trong quy tắc đạo đức) giáo viên không uống rượu bia nơi công cộng, các nhà giáo sẽ có lý do để cương quyết từ chối uống rượu bia, cho dù có bị bắt ép. Và nếu biết trước họ sẽ bị ép buộc uống rượu bia, tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo cần phải lên tiếng phản đối ngay khi nhận được công văn điều động họ.

Và khi vi phạm đã xảy ra thì xử lý ra sao, thưa ông?

Cũng giống như Luật Báo chí có quy định không ai được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, Luật Nhà giáo sẽ có những quy định để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Khi có hành vi vi phạm Luật Nhà giáo, chẳng hạn ép buộc nhà giáo uống rượu bia, thì phải xử lý người ép buộc. Nếu nhà giáo chủ động uống rượu bia mà chả cần đến ai ép thì xử lý chính nhà giáo. Điều động nhà giáo đi uống rượu bia thì xử lý người điều động. Nếu chúng ta có luật thì việc xử lý sẽ rạch ròi hơn, thỏa đáng hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng Luật Nhà giáo nếu được ban hành sẽ xử lý rất nhiều vấn đề, chứ không chỉ là xử lý mỗi cái chuyện “tiếp khách” mà chúng ta vừa trao đổi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hoàng Nam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-co-luat-nha-giao-de-bao-ve-doi-ngu-giao-vien-post214180.info